Tăng cường quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp

18/10/2022
Aa

Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh là 139.397,6  ha; hàng năm, khối lượng CTR phát sinh hàng năm từ sản xuất thâm canh các loại cây trồng khoảng 137.597 tấn bao gồm: 137.364 tấn sinh khối thải loại, 108 tấn bao bì phân bón, 125 tấn bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Sinh khối thải loại được tận dụng làm thức ăn gia súc, ủ phân compost hoặc được đốt ngay tại đồng ruộng. Bao bì phân bón được tận dụng, bán phế liệu hoặc thu gom cùng với rác thải sinh hoạt. Còn lại, bao bì đựng hoá chất BVTV hiện chưa có biện pháp thu gom, xử lý hiệu quả.

Đề hạn chế, tiến tới giảm dần lượng bao bì hoá chất BVTV phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các Đề án sản xuất mùa vụ, trong đó chú trọng các giải pháp về sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, BVMT như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng bộ giống ngắn ngày, nhiễm nhẹ sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng; khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh; sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, ICM “3 giảm - 3 tăng”, Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, đã góp phần BVMT, tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm.

Để quản lý, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV phát sinh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 11/8/2016 triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Triển khai thực hiện Kế hoạch 252/KH-UBND gắn với xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành văn bản (Kế hoạch, công văn, hướng dẫn...) để chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV và triển khai xây dựng các bể/lu bê tông để thu gom, lưu chứa bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4661 bế chứa (trong đó, một số địa phương có số lượng bể lớn như: Thạch Hà (1226 bể), Cẩm Xuyên (936 bể), Hương Sơn (610 bể)...). Việc xây dựng bể thu gom bao gói thuốc BVTV đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Một số địa phương đã có hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi thu gom tại bể (Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Vũ Quang, Đức Thọ). Tuy nhiên, việc duy trì tần suất thu gom, vận chuyển theo quy định còn hạn chế do khó khăn về nguồn kinh phí. Phần lớn bao gói thuốc BVTV sau khi được thu gom tại các bể hiện nay chủ yếu được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công. Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường do bao gói thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiện hữu.

Ảnh: Bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại huyện Thạch Hà

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Toàn tỉnh hiện có 234 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa (54 trang trại quy mô lớn và 180 trang trại quy mô vừa); trong đó 221 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi gia cầm và 03 trang trại chăn nuôi bò. Ước tính, mỗi năm ngành chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh phát sinh khoảng 6-7 triệu m 3 nước thải (năm 2021: 6.921.680 m 3 /năm); 1,5 triệu tấn chất thải rắn (năm 2021: 1.500.110 tấn/năm). Lượng nước thải và chất thải rắn chăn nuôi hiện đang tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác quản lý môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải tại trang trại chăn nuôi lợn Mitraco, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh

Để tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điều kiện, tiêu chí về chăn nuôi; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường trong chuồng trại chăn nuôi; triển khai và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bảo vệ môi trường như: Sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, xây bể biogas, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học...; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường đối với các dự án chăn nuôi quy mô lớn và vừa. Đến nay, toàn tỉnh có 82 trang trại chăn nuôi đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường/Đề án BVMT chi tiết, 211/249 cơ sở lập cam kết BVMT/kế hoạch BVMT đã được cấp tỉnh, huyện phê duyệt đạt 84,7%; 38 cơ sở chưa lập cam kết BVMT/kế hoạch BVMT (trong đó 14 cơ sở trong vùng quy hoạch, 24 cơ sở nằm ngoài vùng quy hoạch).

Với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trong lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian qua, đến nay nhiều trang trại chăn nuôi đã quan tâm trong việc đầu tư các công trình xử lý nước thải chăn nuôi và thực hiện các biện pháp BVMT.  Một số cơ sở đã đầu tư các hệ thống xử lý nước thải hiện đại áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR như: Trung tâm sản xuất lợn giống Mitraco của Công ty CP chăn nuôi Mitraco, Trang trại chăn nuôi của Công ty CP công nông nghiệp Lộc Trường, Trang trại chăn nuôi lợn nái siêu nạc tập trung cấp bố mẹ của ông Nguyễn Thái Huy tại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ ... Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại một số trang trại chăn nuôi vẫn còn một số tồn tại như: chưa xử lý nước thải đạt quy chuẩn, chưa thu gom và xử lý triệt để chất thải phát sinh (nước thải và chất thải rắn).

Chăn nuôi nông hộ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ lớn (chăn nuôi lợn gần 40%, trâu bò trên 85%, gia cầm trên 80%). Việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ mặc dù có cải thiện nhưng còn hạn chế (khoảng 46% số hộ chăn nuôi lợn xử lý chất thải bằng bể biogas), 54% số hộ xử lý bằng hố ủ phân/hầm ủ phân); một số mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình tổ hợp tác hầu hết đã đầu tư xây dựng bể, hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi nhưng chưa bố trí các hồ sinh học để lưu giữ, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, khoảng cách từ chuồng trại của hộ chăn nuôi đến các hộ gia đình xung quanh không đảm bảo, nên gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thực tế để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi đã có một số địa phương áp dụng các phương pháp khác như đệm lót sinh học, phun chế phẩm sinh học xử lý, tuy nhiên các mô hình này hiện chưa được nhân rộng, vì vậy tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn là vấn đề nan giải ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực Thủy sản: Toàn tỉnh hiện có 12.000 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 1661 cơ sở nuôi tôm nước mặn lợ với diện tích 2202 ha, lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở nuôi tôm ước tính khoảng 66.000 m 3 /năm. Nước thải nuôi trồng thuỷ sản có hàm chất hữu cơ cao do phân của các loài thủy sản, sự lụi tàn của các loài tảo tự nhiên trong nước ao nuôi, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy,các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng,...

Để tăng cường công tác quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy hoạch khu nuôi, chế biến, xây dựng hạ tầng thủy sản đảm bảo các tiêu chí BVMT, đặc biệt là yếu tố mặt bằng và công nghệ xử lý chất thải; Hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản áp dụng các tiến bộ khoa hoc kỹ thuật trong xử lý nước nuôi, chăm sóc đối tượng nuôi, quản lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau khi nuôi bằng các loại chế phẩm sinh học như Super VS, Biolon Aqua, CP plus, pH fixer, Coximes, Bacillus, Neo-polymic... nhằm  giảm ô nhiễm môi trường nước, hạn chế và ngăn ngừa dịch bệnh do yếu tố môi trường gây ra; tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho nuôi theo hướng bền vững, VietGAP, an toàn dịch bệnh và đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản cho 9 vùng nuôi thủy sản tập trung của tỉnh với diện tích trên 250 ha; đã đánh giá chứng nhận VietGAP trên 80 ha nuôi tôm; định kỳ lấy mẫu ở các vùng cửa sông và ao nuôi để kiểm tra chất lượng nước nhằm khuyến cáo cho người nuôi các biện pháp quản lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; Tiến hành quan trắc môi trường đột xuất tại các vùng nuôi khi xảy ra dịch bệnh và các hiện tượng bất thường.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra BVMT tại các sơ sở nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian gần đây cho thấy một số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn (như Công ty TNHH sao Đại Dương, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh, Công ty Thông Thuận .... đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các cơ sở quy mô hộ gia đình, cá nhân không có công trình xử lý nước thải hoặc chỉ bố trí 1-2 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra môi trường. Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải không đúng quy định (một số nơi vẫn còn xẩy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, hay khi tôm chết cũng thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi, hoặc xả trực tiếp ra biển)... Trong các vùng nuôi thuỷ sản tập trung hiện chỉ có vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung 67,8 ha tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống bê tông trước khi thoát ra biển nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó hầu như nước thải từ các cơ sở nuôi đang xả nước thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới

Theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh của tỉnh thì mục tiêu tổng đàn gia súc, gia cầm đến năm 2025 là: Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên đạt trên 430.000 con, trong đó chăn nuôi quy mô trang trại chiếm trên 60%; đàn bò đạt trên 175.000 con, trong đó, tỷ lệ bò lai Zêbu, bò chất lượng cao chiếm khoảng 60%; đàn trâu đạt 65.000 - 70.000 con; đàn gia cầm đạt trên 11 triệu con, trong đó chăn nuôi quy mô trang trại trên 20%; đàn hươu đạt trên 40.000 con.  Ước tính, đến năm 2025, chất thải chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh phát sinh khoảng 20 triệu m 3 nước thải; 3,9 triệu tấn chất thải rắn. Lượng nước thải và chất thải rắn chăn nuôi sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác quản lý môi trường.

Đối với nuôi trồng thuỷ sản: Theo đánh giá kỳ quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2025 mức tăng trưởng bình quân năm là 2%, theo đó dự kiến năm 2025 lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở nuôi tôm khoảng 70.000m 3 /năm.

Theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến năm 2025: “- Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; - Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định” .

Có thể thấy những thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự tập trung, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Thị Giang - MT



Ý kiến bạn đọc