Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đo đạc và bản đồ đảm bảo chất lượng

13/04/2018
Aa
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9/2017 (ảnh: Quốc Khánh)
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong mà Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tập trung thực hiện trong kế hoạch năm 2018. Đặc biệt, hoàn thiện dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ đảm bảo chất lượng và đúng quy định, dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ vào tháng 6/2018.

* Tập trung toàn lực tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Cục sẽ tập trung toàn lực, tiếp tục triển khai bổ sung hoàn thiện Luật Đo đạc và Bản đồ, xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời. Những ngày này, Cục đang tập trung làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học và Bộ, ngành, địa phương có liên quan để hoàn thiện từng quy định của Luật sát với thực tế.

Bởi lẽ, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động chuyên ngành, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Hoạt động đo đạc và bản đồ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia phục vụ quản lý, quy hoạch lãnh thổ; phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nâng cao dân trí của cộng đồng.

Thời gian qua, hoạt động đo đạc và bản đồ đã được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước, gồm 2 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 80 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng… Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, như: Hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác quản lý xuất bản phẩm bản đồ chưa chặt chẽ; công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan… Đó là ý nghĩa quan trọng và cần thiết xây dựng dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

Với những lý do trên, dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc: Quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia...

Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống và tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ. Theo Dự thảo, Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 63 Điều thể hiện trong 9 Chương.

Ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục cũng sẽ tiến hành xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2018 của Bộ TN&MT. Tiếp tục thực hiện các công tác: rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hệ thống, không chồng chéo, trái pháp luật; xây dựng và trình văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng.

Đánh giá về những nỗ lực của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, trong việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa biểu dương những cố gắng của lãnh đạo Cục và cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục trong năm 2017. Thứ trưởng cho biết: Trong năm 2018, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Khi Luật có hiệu lực, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam sẽ là đơn vị triển khai Luật. Vì thế, ngay từ bây giờ, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Cục cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật để khi Luật có hiệu lực sẽ được triển khai trên thực tế có tính khả thi cao.

Ngoài việc tập trung hoàn thiện Luật đo đạc và Bản đồ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, năm 2018, Cục sẽ tăng cường công tác phối hợp thực hiện, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ của các tổ chức cá nhân. Chủ trì phối hợp với các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động đo đạc bản đồ của các tổ chức hoạt động đo đạc bản đồ; phối hợp với Thanh tra Bộ TN&MT thực hiện thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ theo kế hoạch thanh tra năm 2018.

* Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017

Theo ông Phan Đức Hiếu, năm 2017, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành tài nguyên và môi trường.

Nhiệm vụ quan trọng của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam là triển khai Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đã được Quốc hội xem xét thảo luận ở tổ và ở Hội trường tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội ở Hội trường và tổ đang được Lãnh đạo Cục và Tổ Thư ký giúp việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, Cục được giao chủ trì xây dựng 11 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Đến nay, Bộ đã ký ban hành được toàn bộ 11 văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Cục cũng đã ban hành Quy chế lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật dự toán các nhiệm vụ đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.

Trong công tác thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, Cục thực hiện triển khai 3 nhiệm vụ do Chính phủ giao, 9 nhiệm vụ chuyên môn cấp bộ, 2 nhiệm vụ tài trợ cho nước ngoài và 2 nhiệm vụ đầu tư.

Đối với công tác Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục đã tổ chức thực hiện 5 đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ, 4 đề tài nghiên cứu KHCN cấp cơ sở, trong đó 3 đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ chuyển tiếp và 2 đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ mở mới. Tổ chức xét duyệt danh mục đề tài nghiên cứu KHCN, đưa vào kế hoạch năm 2018 đối với 3 đề tài KHCN cấp Bộ và 4 đề tài nghiên cứu KHCN cấp cơ sở. Tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về chuyên ngành, làm việc với các đoàn công tác quốc tế... để tìm hiểu, trao đổi về việc đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ và khai thác dữ liệu, đặc biệt là việc hỗ trợ kỹ thuật cho Cục trong xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ.

Công tác cải cách hành chính, thanh tra kiểm tra cũng được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân, bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả, đúng quy định. Năm 2017 cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho 346 tổ chức, cấp bổ sung nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cho 4 tổ chức và cấp lại giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho 1 tổ chức. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 4 thủ tục hành chính và mức độ 4 cho 1 thủ tục hành chính.

Trong công tác biên giới và địa giới, Cục tiếp tục thực hiện các công việc liên quan đến đường biên giới quốc gia liên quan đến các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia hiện nay công tác phân giới cắm mốc đang được hai nước tiếp tục thực hiện.

Thuý Hằng - Monre.gov.vn



Ý kiến bạn đọc