Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); để đảm bảo việc phân loại CTRSH và áp dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 08/12/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với một số lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa; hỗ trợ chế phẩm cho các mô hình ủ phân hữu cơ tập trung; hỗ trợ mua thùng gom rác chuyên dụng và chế phẩm ủ phân ở bãi tập kết, trung chuyển rác; hỗ trợ mua xe cuốn ép rác chuyên dụng và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào của khu xử lý tập trung; Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 01/3/2023 của UBND tỉnh quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2770/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Công văn số 2922/UBND-NL ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm vào các dịp lễ tết, kỷ niệm các ngày lễ, chiến dịch về môi trường hoặc trước mùa mưa lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ra quân vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
Năm 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa nhiệm vụ xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch khung nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, theo đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện. Hiện tại, Sở đã xây dựng đề cương, dự toán và đang xây dựng Dự thảo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai công tác phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 2764/STNMT-MT ngày 26/6/2024 hướng dẫn việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2937/KH-STNMT ngày 04/7/2024 về “Truyền thông, tập huấn hướng dẫn thực hiện tiêu chí Môi trường; về phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn xử lý rác thải thực phẩm tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2024; hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn”. Đồng thời, gắn với việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, Sở TNMT Hà Tĩnh đã phối hợp với UBND cấp huyện cử cán bộ đến các địa bàn cấp xã, cấp thôn để hướng dẫn việc phân loại rác thải tại nguồn cho các hộ gia đình, cá nhân. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phân loại CTRSH tại nguồn và cấp phát thùng đựng CTRSH cho các hộ dân để phân loại CTRSH tại nguồn (Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh).
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã phối hợp tích cực với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường, nhất là đối với công tác phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, đồng thời triển khai xây dựng các mô hình, như “ mô hình 10 hộ liền kề”, “Cụm dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp do phụ nữ tự quản”, “Tổ nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội, CLB gia đình 5 không 3 sạch”, “Tổ ươm mầm xanh, biến rác thành tiền” , mô hình “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và siêu thị; mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu, thành lập các CLB giảm rác thải nhựa... của Hội Phụ nữ; mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, cụm dân cư” của Hội nông dân; mô hình “Câu lạc bộ, HTX bảo vệ môi trường” của Hội Cựu chiến binh; phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa một lần” , Cuộc thi Thách thức để thay đổi “Challenge For Change”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Tỉnh đoàn.... Thông qua các mô hình đã thu hút được nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia chung tay BVMT, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của cộng đồng hướng đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh còn phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong đó có tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất CTRSH, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy rằng với việc tham mưu triển khai tích cực các giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian qua đã thu được một số kết quả quan trọng, giảm đáng kể lượng CTRSH phải đưa đi xử lý, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước và kinh phí của Nhân dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cần phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Nguyễn Thị Giang – VPS