Hà Tĩnh có 13 cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Ngày 13 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo đó, toàn quốc có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính:
Lĩnh vực đầu tiên là năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; Khai thác than; Khai thác dầu và khí tự nhiên.
Lĩnh vực thứ hai là giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.
Lĩnh vực thứ ba là xây dựng : Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; Các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Lĩnh vực thứ tư là các quá trình công nghiệp : Sản xuất hóa chất; Luyện kim; Công nghiệp điện tử; Sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.
Lĩnh vực thứ năm là nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; Lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; Trồng trọt; Tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
Lĩnh vực thứ sáu là chất thải : Bãi chôn lấp chất thải rắn; Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; Thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; Xử lý và xả thải nước thải.
Trong 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên cả nước: Ngành công thương có 1.805 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) trở lên; Ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Ngành xây dựng có 229 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên; theo đó đã loại ra 35 cơ sở và cập nhật bổ sung 16 cơ sở mới.
Theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành Hà Tĩnh có 13 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: 05 cơ cở thuộc ngành công thương (Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Công ty CP Nhựa bao bì Vinh (cở 2), Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, Công ty CP Vinatex – Hồng Lĩnh); 03 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Bình Nguyên, Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Cảng Sơn Dương); 03 cơ sở thuộc ngành Xây dựng (Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ, Công ty cổ phẩn Việt Hà, Chi nhánh nhà máy Trung Đô Hà Tĩnh); 02 cơ sở thuộc ngành tài nguyên môi trường (Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp xã Kỳ Tân của Công ty chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh, Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Cẩm Quan, Cẩm Xuyên của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh).
Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ phải kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT), có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Việc cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính; là cơ sở để tăng cường thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính và xác định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các cơ sở trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và hướng tới thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng góp phần thực hiện quy định của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới kiểm soát ít nhất 85% các nguồn phát thải chính tùy theo điều kiện, năng lực quốc gia.
Nguyễn Thị Giang - VPS