Hướng dẫn thực hiện phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Để đẩy mạnh việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đáp ứng yêu cầu nội dung tiêu chí Cảnh quan môi trường theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, nhằm giảm lượng chất thải rắn phát sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
1. Chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) còn gọi là rác thải sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
2. CTRSH thường có nhiều thành phần khác nhau, như: thức ăn thừa; rau, củ, quả, vỏ trứng, vỏ sò, bã trà, bã cà phê, xương cá, thịt, cành, lá cây, vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton, thủy tinh, cao su, gỗ vụn, quần áo cũ, vải vụn, giày dép cũ, tóc; tã, gốm sứ bể, đầu mẩu, tàn thuốc lá…
3. Phân loại CTRSH là hoạt động phân tách CTRSH thành các loại hoặc các nhóm CTRSH để có các quy trình quản lý khác nhau (bao gồm phân loại tại nơi phát sinh, phân loại trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý). Việc phân loại CTRSH nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu.
II. HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
1. CTRSH được phân loại thành 03 nhóm chính theo đúng quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, gồm:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: là các loại chất thải rắn có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử...
- Chất thải thực phẩm: gồm, thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn,…;
các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.
- CTRSH khác gồm, chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động động sinh hoạt thường ngày của con người (Các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thuỷ ngân thải, pin, ắc quy thải,...); thủy tinh (bóng đèn, cốc, chai lọ vỡ,...); chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại (Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu,…từ hoạt động sinh hoạt; chiếu cói; chiếu tre, trúc; gối mây, tre; lông gia súc, gia cầm; tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang; các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần; bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,..
2. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng CTRSH theo cách sau:
a) Phân loại rác tái chế thành nhiều loại tùy theo nhu cầu và mục đích tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích tách hết chất thải lỏng hoặc thực phẩm có trong bao bì, hộp, chai lọ… trước khi phân loại đưa vào chất thải tái chế, tái sử dụng.
b) Đối với những loại chất thải có điểm thu hồi theo quy định của nhà sản xuất cần được thu gom, lưu giữ riêng và vận chuyển đến điểm thu hồi của nhà sản xuất.
c) Phân loại riêng chất thải nguy hại từ CTRSH khác; lưu chứa chất thải nguy hại trong thiết bị riêng có nắp đậy và chuyển giao đến điểm tập kết chất thải nguy hại chung của xã/phường/thị trấn (nếu có) hoặc chuyển giao theo quy định của địa phương.
d) Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ làm phân hữu cơ hoặc làm chất cải tạo đất.
e) Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải thành các vật dụng hữu ích trong gia đình.
III. HƯỚNG DẪN LƯU GIỮ, THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CTRSH SAU PHÂN LOẠI
1. Lưu giữ CTRSH tại nơi phát sinh
a) Dụng cụ lưu chứa
CTRSH được phân loại theo hướng dẫn nêu trên được lưu chứa vào các thùng chứa hoặc bao bì chứa riêng biệt. Chất thải rắn sinh hoạt có thể chứa trực tiếp vào các thùng chứa hoặc chứa trong bao bì (túi) lồng trong thùng chứa. Thùng chứa và bao bì chứa CTRSH đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Điều 6 Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 01/3/2023 của UBND tỉnh, cụ thể:
- Sử dụng bao bì có màu sắc phân biệt (bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế có màu đỏ, bao bì đựng CTRSH khác có màu vàng; bao bì đựng chất thải nguy hại có màu đen hoặc sử dụng các thùng chứa đựng CTRSH sau phân loại có màu sắc khác nhau tương ứng như trên, có thể gián nhãn hoặc có hình minh họa từng loại nhóm chất thải chính theo phân loại) để đựng các loại CTRSH đã phân loại, chất liệu bao bì có thể nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.
- Bao bì đựng CTRSH có thiết kế dễ buộc, dễ mở, bảo đảm CTRSH không rơi vãi, không rò rỉ nước rỉ từ chất thải và thuận tiện cho việc kiểm tra.
- Khuyến khích việc sử dụng bao bì dễ phân hủy sinh học để chứa đựng chất thải thực phẩm. * Cách thức sử dụng bao bì, thùng chứa và lưu chứa CTRSH:
- Khi lồng bao bì vào thùng chứa nên để một phần miệng bao bì chứa CTRSH ra bên ngoài thùng để đảm bảo toàn bộ chất thải chứa đủ trong bao bì.
- Trường hợp rác làm vườn có cành cây, nhánh cây thì có thể dùng dao chặt nhỏ, tách cành, nhánh, lá cây riêng để tận dụng làm chất đốt. Trường hợp không sử dụng thì cho vào bao bì chứa (chú ý không làm rách bao bì). Đối với CTRSH có hình dáng sắc, nhọn dễ gây thương tích (ví dụ: dao lam, thủy tinh vỡ…), phải được quấn trong giấy và buộc lại sau đó mới thải bỏ vào thùng chứa.
- CTRSH nên chứa vừa dung tích thùng, không được nén chặt nhằm tránh rách bao bì.
- Khi bao bì chứa đầy hoặc đến giờ giao rác, buộc chặt miệng bao bì bằng cách xoắn miệng bao bì và thắt nút hoặc sử dụng dây buộc để buộc kín miệng bao bì.
- Kiểm tra bao bì nếu bị rách hoặc rò rỉ nước thải thì sử dụng bao bì mới lồng vào và buộc kín như trên.
- Để nguyên bao bì trong thùng chứa, đưa ra bên ngoài và giao bao bì chứa CTRSH cho đơn vị thu gom hoặc để vào thùng chứa CTRSH công cộng, điểm tập kết tạm thời quy định trong khu vực.
- Vệ sinh sạch thùng chứa CTRSH bằng nước (hoặc xà phòng nếu cần thiết), để khô và lồng bao bì mới vào thùng chứa để tiếp tục chứa CTRSH.
b) Vị trí lưu giữ CTRSH
- Đối với hộ gia đình: Tùy thuộc vào điều kiện, diện tích của các hộ gia đình bố trí nơi đặt thùng chứa đảm bảo hợp vệ sinh và thuận lợi cho việc phân loại và chuyển giao CTRSH.
- Đối với các cơ quan, tổ chức: CTRSH tại các phòng, ban, bộ phận sau khi được phân loại theo hướng dẫn nêu trên được đưa về vị trí tập kết CTRSH chung của cơ quan, tổ chức. Tại vị trí tập kết luôn đặt hai loại thùng chứa có nhãn phân biệt (thùng chứa chất thải thực phẩm và thùng chứa CTRSH còn lại) và có thêm thùng hoặc điểm chứa chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng. Các thùng chứa rác phân loại được đặt trong khuôn viên cơ quan tại vị trí thuận tiện cho việc thu gom, chuyển giao CTRSH cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và không làm ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị.
c) Đối với CTRSH đường phố và nơi công cộng
Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển có trách nhiệm thực hiện phân loại và bố trí thùng chứa CTRSH sau phân loại như quy định trên. Tại khu vực nhà văn hóa thôn hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn xóm thực hiện phân loại và bố trí các thùng chứa CTRSH sau phân loại: tối thiểu 03 thùng chứa (chất thải thực phẩm, CTRSH khác và chất thải nguy hại) và bố trí ngôi nhà xanh hoặc điểm lưu giữ chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng.
2. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại
a) Về phương án thu gom
- Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch/phương án thu gom, xử lý CTRSH phù hợp (trong đó, lưu ý tập trung chỉ đạo việc triển khai phân loại CTRSH triệt để, tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để xử lý tại hộ (bằng biện pháp làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ để tạo phân hữu cơ) và tách biệt tối đa chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng chuyển giao cho đơn vị thu mua phế liệu hoặc vận chuyển đến điểm thu gom chất thải tái chế tái sử dụng của cộng đồng (ngôi nhà xanh tại các nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố) và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các phương án như sau:
+ Trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển có đủ trang thiết bị, phương tiện đáp ứng các yêu cầu thu gom riêng các nhóm CTRSH đã được phân loại thì có thể thu gom cùng lúc các loại CTRSH đã phân loại.
+ Trường hợp không đủ trang thiết bị, phương tiện thì phân chia thời gian phù hợp để thu gom riêng từng loại chất thải (Ví dụ: phân chia theo buổi, hoặc ngày chẵn, ngày lẻ hoặc bố trí hợp lý các ngày trong tuần).
TT |
Loại CTRSH |
Tần suất thu gom |
Phương án 1 |
||
1 |
Chất thải thực phẩm |
Thu gom cùng lúc 02 loại CTRSH, thu gom hàng ngày theo xe vận chuyển riêng từng loại chất thải sau phân loại |
2 |
CTRSH khác |
|
Phương án 2 |
||
1 |
Chất thải thực phẩm |
Thu gom hàng ngày |
2 |
CTRSH khác |
Thu gom cách ngày (thứ 3,5,7 hoặc 2,4,6, Chủ nhật trong tuần) |
Phương án 3 |
||
1 |
Chất thải thực phẩm |
Thu gom 05 ngày trong tuần (thứ 2,4,6,7, Chủ nhật) |
2 |
CTRSH khác |
Thu gom 02 ngày trong tuần (thứ 3,5) |
- Đối với phương án 2 và 3, tùy theo khối lượng từng loại CTRSH phát sinh thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố có thể điều chỉnh tăng, giảm số ngày thu gom chất thải thực phẩm và CTRSH khác cho phù hợp. Đơn vị thu gom, vận chuyển có thể sắp xếp lịch thu gom xen kẽ giữa các phường, xã, thị trấn để tận dụng tối đa phương tiện thu gom, vận chuyển. Trong quá trình thực hiện, tổ chức đánh giá hiệu quả của phương án thu gom đã thực hiện và chủ động điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo thường xuyên về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom từng loại CTRSH sau phân loại đến hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trong phạm vi triển khai phân loại để biết và chuyển giao đúng quy định.
- Hình thành các tổ giám sát cấp huyện, cấp xã (theo quy định tại mục 6 phần III Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh) để phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển kiểm tra, giám sát việc phân loại của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và hoạt động tại các điểm tập kết/trạm trung chuyển. Kết quả giám sát, kiểm tra của tổ giám sát các cấp là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH trên địa bàn ngày càng được hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
b) Yêu cầu đối với phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đến điểm trung chuyển/điểm tập kết:
- Trường hợp sử dụng xe đẩy tay hoặc xe kéo có gắn máy:
Xe có thân và đáy thùng kín, phía trước và hai bên thân thùng xe được gắn nhãn hoặc sơn dòng chữ tùy theo loại CTRSH thu gom với màu sắc và kích thước như sau:
+ Xe thu gom chất thải thực phẩm ghi dòng chữ in hoa “CHẤT THẢI THỰC PHẨM”. Chữ màu xanh và chiều cao chữ khoảng 15cm.
+ Xe thu gom CTRSH khác ghi dòng chữ in hoa “CTRSH KHÁC”. Chữ màu vàng và chiều cao chữ khoảng 15cm.
- Trường hợp sử dụng xe tải nhỏ:
Xe tải sử dụng có tải trọng từ 550kg đến 2,5 tấn với thùng xe có thiết kế kín, có trang bị thiết bị phun xịt chế phẩm khử mùi bằng tay, hai bên thân thùng xe được gắn nhãn hoặc sơn dòng chữ tùy theo CTRSH thu gom với màu sắc và kích thước như sau:
+ Xe thu gom chất thải thực phẩm ghi dòng chữ in hoa " CHẤT THẢI THỰC PHẨM ". Chữ màu xanh và chiều cao chữ khoảng15cm.
+ Xe thu gom CTRSH khác ghi dòng chữ in hoa " CTRSH KHÁC ". Chữ màu vàng và chiều cao chữ khoảng15cm.
c) Yêu cầu đối với phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại từ điểm trung chuyển/điểm tập kết đến khu xử lý:
Sử dụng xe ép rác chuyên dụng có trang bị máng nạp rác, cẩu - nâng được thùng/xe đẩy tay; Thùng xe có thiết kế kín, có hệ thống thu gom và lưu giữ nước rỉ rác; Có bạt nhựa (tháo lắp được) để che phủ máng nạp rác khi di chuyển. Xe có trang bị thiết bị phun xịt chế phẩm khử mùi bằng tay, dung tích tối thiểu của thiết bị phun xịt khử mùi là 02 (hai) - 05 (năm) lít.
Hai bên thùng xe được gắn nhãn hoặc sơn dòng chữ tùy theo từng loại CTRSH thu gom với màu sắc và kích thước như đối với xe tải nhỏ đã nêu trên.
d) Yêu cầu kỹ thuật đối với điểm trung chuyển/điểm tập kết CTRSH sau phân loại
Các địa phương căn cứ quy hoạch và điều kiện thực tế để bố trí hoặc hoàn thiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo các điểm tập kết/điểm trung chuyển (đã có) tại các xã, phường, thị trấn theo quy hoạch, phương án/kế hoạch/đề án thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Điều 7, Điều 8 Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND; có thể kết hợp bố trí điểm xử lý chất thải thực phẩm tập trung, điểm thu gom/tập kết chất thải nguy hại phát sinh từ phân loại CTRSH, chất thải cồng kềnh; các điểm tập kết hoặc điểm trung chuyển để lưu giữ CTRSH sau khi được phân loại, thu gom từ nơi phát sinh chuyển đến theo mục 3 phần III Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh. Điểm tập kết/điểm trung chuyển bố trí khu vực lưu giữ riêng biệt chất thải thực phẩm và CTRSH khác để thuận tiện cho việc vận chuyển. Có bảng dán/sơn dòng chữ in hoa màu vàng "CHẤT THẢI THỰC PHẨM" hoặc "CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT KHÁC" hoặc “CHẤT THẢI NGUY HẠI” tương ứng với loại CTRSH lưu giữ, chiều cao chữ tối thiểu 15cm.
CTRSH tại điểm tập kết/điểm trung chuyển cần được vận chuyển trong ngày đến Khu xử lý (nhà máy, lò đốt hoặc bãi chôn lấp). Trường hợp chưa đủ khối lượng vận chuyển phải lưu giữ thì thời gian lưu giữ tại điểm tập kết, điểm trung chuyển không quá 48 giờ.
3. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại
* Các đơn vị (chủ cơ sở) xử lý phải có trách nhiệm bố trí khu vực tiếp nhận riêng biệt chất thải thực phẩm và CTRSH khác để thuận lợi cho việc xử lý đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH đối với từng loại CTRSH sau phân loại, ưu tiên các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ CTRSH, hạn chế đến mức thấp nhất và hướng đến chấm dứt việc chôn lấp trực tiếp CTRSH.
a) Trường hợp xử lý CTRSH tại các nhà máy xử lý, lò đốt độc lập
- Đối với chất thải thực phẩm được đưa vào dây chuyền sản xuất phân Compost của nhà máy hoặc đưa vào bể ủ (luống ủ) có phun chế phẩm để làm phân compost của khu xử lý lò đốt.
- Đối với CTRSH khác tiếp tục đưa vào dây chuyền phân loại (nếu CTRSH chưa được phân loại triệt để), lưu chứa riêng theo từng hình thức xử lý (ít nhất 04 loại):
+ Chất thải nguy hại (pin, bóng đèn, chai đựng thuốc diệt côn trùng,...) thì phải hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định;
+ Chất thải rắn có khả năng tái chế (giấy, ni lông, nhựa, kim loại...) chuyển giao cho các cơ sở tái chế, đơn vị thu mua phế liệu;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác có thể đốt được xử lý bằng lò đốt;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại (gạch vỡ, thủy tinh,…) và xỉ lò đốt: chôn lấp hoặc tái sử dụng làm vật liệu xây dựng (gạch block, gạch không nung...).
b) Trường hợp xử lý tại các bãi chôn lấp
- Đối với chất thải thực phẩm thì đưa vào ô chôn lấp chất thải thực phẩm, được phun chế phẩm và phủ đất để hạn chế mùi hôi, ruồi nhặng và thực hiện quy trình chôn lấp theo đúng quy định.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác tiếp tục phân loại (nếu chưa phân loại triệt để), lưu chứa riêng (khi được vận chuyển về) thành ít nhất 03 loại:
+ Chất thải nguy hại (pin, bóng đèn, chai đựng thuốc diệt côn trùng, mực in...) thì hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định;
+ Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế (giấy, ni lông, nhựa, kim loại...): chuyển giao cho các cơ sở tái chế, đơn vị thu mua phế liệu;
+ Chất thải rắn khác còn lại: chôn lấp tại ô chôn lấp riêng và thực hiện quy trình chôn lấp theo đúng quy định.
IV. HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CHẤT THẢI THỰC PHẨM TẠI HỘ GIA ĐÌNH
Để giảm thiểu lượng CTRSH phải thu gom, vận chuyển, xử lý, đối với các vùng nông thôn, miền núi và khu vực đô thị (tại các xã, phường hộ dân có vườn
rộng), các địa phương hướng dẫn các hộ dân tăng cường thực hiện phân loại và xử lý triệt để chất thải thực phẩm tại hộ gia đình theo một số phương pháp sau:
1. Xử lý bằng hố ủ di động
- Cách làm hố:
+ Vị trí đặt hố: Trong vườn, môi trường đất, không quá khô hay quá ẩm ướt, cách xa nơi ở.
+ Kích thước hố đào: Chiều sâu: 0,7-1,5m, đường kính hoặc chiều rộng: 0,6-1m.
+ Nắp hố: Kích thước và hình dáng phụ thuộc vào miệng hố, chất liệu thường bằng kim loại, nhựa hoặc gỗ (tùy điều kiện từng hộ gia đình có thể chọn các vật liệu khác nhau nhưng cần đảm bảo tính an toàn, kín để tránh cho vật thể lạ lọt vào cũng như mùi từ trong hố thoát ra).
- Quy trình sử dụng:
+ Chất thải thực phẩm hàng ngày được đổ vào hố, sau đó rắc một lượt mỏng chế phẩm sinh học (có tác dụng kích hoạt phân hủy nhanh các chất hữu cơ, không gây mùi hôi, sản phẩm sau ủ tơi xốp, mịn). Bỏ đất hoặc tro/trấu rải lên trên một lớp mỏng khoảng 2 -5 cm và đậy nắp để hạn chế mùi hôi, tránh nước mưa chảy vào và tránh ruồi, muỗi, chuột, ….
+ Khi chất thải thực phẩm đầy hố, tiến hành lấp đất và tiếp tục đào hố khác để đựng rác. Sau khoảng 20 đến 25 ngày người dân có thể sử dụng trực tiếp làm hố trồng cây hoặc sử dụng để làm phân bón, trồng cây.
Lưu ý:
+ Tránh nước xâm nhập vào trong hố rác (nước mưa,…);
+ Chỉ cần hố đủ rộng và không quá sâu;
+ Tuy lượng khí sinh ra trong quá trình ủ rác là không nhiều nhưng khi mở nắp hố, cần tránh đứng trực diện với miệng hố và nên đeo khẩu trang.
2. Xử lý bằng thùng ủ hoặc hố ủ phân compost
- Làm thùng ủ hoặc hố ủ và chọn vị trí đặt thùng/xây hố:
+ Chọn loại thùng bằng nhựa, hình tròn, có nắp đậy, dung tích khoảng 160lít được bán phổ biến tại các chợ; vách thùng được khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10cm đến15cm đều nhau. Hai bên thành thùng gần mép đáy thùng được khoan 2 cửa (kích thước 20 x30cm) để lấy phân (như hình minh họa).
+ Nếu làm hố ủ: hố xây bằng gạch, trát vữa chống thấm, có mái che hoặc nắp đậy, có đáy chống thấm bằng láng xi măng; được chia thành 02 ngăn (01 ngăn sử dụng để ủ và 01 ngăn chứa phân sau khi ủ, giữa 2 ngăn có cửa để đẩy phân), có hố để chứa nước rỉ rác.
+ Chọn vị trí đặt thùng hoặc xây hố: Cách xa nguồn nước sinh hoạt; đối với việc ủ bằng thùng làm bệ bằng gạch, bệ xi măng, đặt chậu nhựa để thu nước rỉ từ rác; nước rỉ được dùng tưới lên chất thải thực phẩm ủ trong thùng để chất thải nhanh phân hủy tạo thành phân.
- Quy trình sử dụng:
+ Chất thải thực phẩm phát sinh hàng ngày được thu gom, lưu giữ tại thùng kín, sau đó cho vào thùng/hố ủ, rắc một lượt mỏng chế phẩm sinh học (có tác dụng kích hoạt phân hủy nhanh các chất hữu cơ, không gây mùi hôi, sản phẩm sau ủ tơi xốp, mịn).
+ Sau 12 đến 15 ngày, tiến hành đảo trộn đều chất thải thực phẩm trong thùng/hố một lần. Nếu chất thải trong thùng/hố quá khô thì cho thêm một ít nước để tăng độ ẩm. Nếu quá ướt thì bổ sung thêm lá cây, cỏ khô, rơm rạ, trấu để điều chỉnh độ ẩm; khi ủ trong hố ủ, cần che đậy hố ủ bằng bạt hoặc nilon để duy trì nhiệt độ ủ khoảng 45-55 0 C.
+ Chất thải thực phẩm sẽ được phân hủy và xẹp dần xuống; sau 45 đến 60 ngày, sẽ phân hủy thành phân compost.
+ Lấy phân ra từ 2 cửa bên dưới của thùng hoặc cửa đẩy phân ra của hố ủ. Phân tơi xốp, hạt mịn, không có mùi hôi thối, ngã màu nâu đen (đặc điểm của phân compost) có thể sử dụng để bón cho cây cảnh, cây ăn quả...
Lưu ý:
+ Không đưa vào lá bạch đàn, lá tràm, lá sả tươi vì các loại này chứa tinh dầu làm hại đến sự phát triển của vi sinh vật; tuyệt đối không cho xác động vật chết (chó, mèo, chuột,…) vào hố hoặc thùng ủ.
+ Đối với lần ủ đầu thì thời gian thu được phân thành phẩm là khoảng 60 đến 70 ngày, sau đó thời gian thu lấy phân thành phẩm sẽ rút ngắn lại còn 30 ngày, 20 ngày.
+ Phân compost khi được lấy từ thùng ra, tốt nhất nên để phơi gió 1 đến 2 ngày để giảm nhiệt độ mới đưa vào bón cây trồng.
CTTĐT