Ngày Đại dương thế giới (8/6) hàng năm do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương thế giới năm nay với Chủ đề “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans).
Chủ đề này sẽ là cơ hội để khám phá các khía cạnh về giới trong mối quan hệ của loài người với các đại dương, như một lời kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Bên cạnh đó, chủ đề năm nay còn hướng tới xây dựng sự hiểu biết về giới, đại dương và khám phá những giải pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động liên quan đến đại dương như: nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển, di cư bằng đường biển, buôn bán người...; đồng thời, khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và tăng cường ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Trên thực tế phụ nữ, trẻ em gái đặc biệt là vùng ven biển, thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi sự gia tăng của biến đổi khí hậu và thiên tai và nước biển dâng. Đây cũng là đối tượng truyền thông chính tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường biển, hạn chế sử dụng túi nilong trong việc buôn bán và sinh hoạt hàng ngày.
Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm nay như một cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của phụ nữ vùng ven biển, tăng cường vai trò thiết thực của phụ nữ ven biển vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường phù hợp với Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và hướng đến các giải pháp bãi biển không rác thải nhựa mà Việt Nam đang gấp rút triển khai.
Đây cũng là cơ hội để các nước đang phát triển trên thế giới và những quốc gia vốn có tư tưởng “trọng nam khinh nữa” xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nước biển dâng, đói nghèo do thiên tai, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ ven biển.
Cùng với việc kêu gọi bình đẳng giới, kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác bảo vệ môi trường ven biển, ý nghĩa của chủ đề lần này cũng muốn các quốc gia có biển cần quan tâm hơn tới việc chăm sóc y tế đối với phụ nữ tại các vùng ven biển, tăng cường nhận thức và trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho phụ nữ tại đây cũng như thúc đẩy vai trò lãnh đạo và việc tham gia hoạch định chính sách của phụ nữ trong vấn đề này, cần tăng cường thể chế hóa sự lãnh đạo của phụ nữ vùng ven biển trong chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai.
Trong bối cảnh lời kêu gọi trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là một bước tiến cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, thực tế từ lâu đã chứng minh rằng đầu tư vào phụ nữ là cách hiệu quả nhất để tiếp sinh lực cho các cộng đồng, doanh nghiệp và cả các quốc gia. Sự tham gia của phụ nữ làm cho các thỏa thuận hòa bình càng bền vững, tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh mẽ, xã hội ngày càng ổn định.