Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

14/12/2024
Aa

Ngày 08/11/2024 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 520/KH-UBND ngày 08/11/2024 triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Mục đích của Kế hoạch: Phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên nước tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước. Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, tham mưu ban hành các văn bản cụ thể hóa luật và các văn bản dưới luật bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Kế hoạch đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm  sự thống nhất Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước. Nội dung công việc phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được phân công; chủ động phát huy tối đa năng lực và các điều kiện để hoàn thành kế hoạch đảm bảo chất lượng, theo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra. Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.

Theo đó Kế hoạch đã đề ra các nội dung, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các Sở ngành địa phương triển khai các nội dung chính sau:

1. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật : Tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật

2. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan : Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản đã ban hành phù hợp với Luật Tài nguyên nước và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao trong Luật trên địa bàn tỉnh.

3. Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật : Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước của các Bộ, ngành Trung ương được giao đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.

4. Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Tài nguyên nước

Căn cứ quy định của Luật Tài nguyên nước, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao tại khoản 1 Điều 80 Luật Tài nguyên nước và các nhiệm vụ cụ thể (có phụ lục Danh mục các nhiệm vụ kèm theo).

b) UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo quy định tại khoản 2 Điều 80 và các nội dung giao trong Luật:

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

- Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

- Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

- Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo thẩm quyền;

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn (quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23);

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương (quy định tại khoản 3 Điều 26);

- Tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất (quy định tại khoản 3 Điều 53);

- Các nhiệm vụ khác được giao trong Luật.

c) UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo quy định tại khoản 3 Điều 80 và các nội dung giao trong Luật:

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

- Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

- Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định;

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên;

- Quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn (quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23);

- Tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt (quy định tại khoản 4 Điều 53);

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao trong Luật.

Lê Thị Tuyết Minh - TNN



Ý kiến bạn đọc