|
Tư vấn cho người dân về cách phòng, chống HIV/AIDS
|
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ngành Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Đồng thời giao cho Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên dành nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo mức tăng dần theo từng năm. Đảm bảo để ngành Y tế thực hiện thành công các mục tiêu của “Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” tại Hà Tĩnh là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức thấp hơn tỉ lệ nhiễm trong toàn quốc và các tỉnh bắc Trung bộ.
Để thực hiện Nghị quyết, Ngành Y tế đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết trong toàn ngành. Chỉ đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn tỉnh, tập trung vào nhóm đối tượng đích là người nhiễm HIV/AIDS, các nhóm đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng dân cư.
Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, đã có hơn 10 tỷ đồng được đầu tư cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh. Từ nguồn kinh phí này, các hoạt động truyền thông huy động cộng đồng; điều trị methadone; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; đào tạo, giám sát…. tiếp tục được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã.
Ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi. Đây được xem là một trong những hoạt động then chốt, góp phần ngăn chặn kiểm soát tốt và giảm thiểu đến mức thấp nhất về số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông và huy động cộng đồng được đẩy mạnh theo hướng đổi mới nội dung và hình thức, phù hợp với vùng miền, nhóm đối tượng và mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tập trung vào những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới nam... Trong 02 năm đã tổ chức được 270 lớp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone với gần 8100 người tham dự; In ấn trên 25.000 tờ rơi, sửa chữa, làm mới 30 cụm Pano và làm các phóng sự về tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các buổi mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Chất lượng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được nâng cao. Triển khai có hiệu quả các hoạt động như chương trình điều trị cho nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình cấp phát bơm kim tiêm sạch, chương trình tiếp thị xã hội bao cao su và chương trình chăm sóc điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) … Đặc biệt chương trình methadone đang triển khai hiệu quả tại 06 điểm gồm: 03 cơ sở điều trị là thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Hương Sơn và 03 cơ sở cấp phát thuốc là huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương khê với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 291 người. Chương trình này đã giúp nhiều người nghiện trên địa bàn tỉnh ta có cơ hội từ bỏ ma túy, ổn định sức khỏe và tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cùng với các hoạt động điều trị methadone, công tác giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến huyện và tuyến xã cũng được triển khai đều đặn 01 quý/lần. Thực hiện tư vấn và xét nghiệm cho trên 15.600 khách hàng; trong giai đoạn 2014-2016 đã phát hiện 250 trường hợp nhiễm mới HIV/AIDS. Thực hiện giám sát chuyên môn tại các phòng khám điều trị ARV; Đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh và tuyến huyện. Các hoạt động khác như Chương trình chăm sóc điều trị ARV, Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; duy trì, mở rộng các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại nên sau 02 năm thực hiện Nghị quyết tỷ lệ người dân được tiếp cận các thông tin về phòng chống HIV/AIDS đạt cao; số người tham gia điều trị methadone ngày một tăng; số lượng người nhiễm HIV/AIDS phát hiện hàng năm giảm; số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế đạt khoảng 90% …. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện nay công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn gặp một số khó khăn như: đối tượng nghiện chuyển sang dùng ma túy đá có xu hướng tăng lên, trong khi các cơ sở điều trị methadone chỉ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện vì vậy tỷ lệ bệnh nhân điều trị methadone cầm chừng; nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án ngày một cắt giảm, trong khi đó nguồn kinh phí của tỉnh bố trí thông qua Nghị quyết 92/2014 chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu kinh phí để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; Cán bộ làm việc tại các cơ sở Methadone chủ yếu là cán bộ hợp đồng, họ chưa thực sự yên tâm công tác nên ảnh hưởng đến tính bền vững của chương trình; hầu hết các doanh nghiệp chưa chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp…
Thời gian tới, để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư nói chung, đặc biệt tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm người dễ bị cảm nhiễm HIV, những người dễ bị tổn thương và thanh thiếu niên; Phối hợp với các Sở, Ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động trong phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Tiếp tục duy trì có hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; Tăng cường công tác tiếp cận để tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone nhằm đạt chỉ tiêu; kế hoạch được giao; Thực hiện đề án xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Duy trì hoạt động có hiệu quả 02 phòng khám, điều trị ngoại trú tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm YTDP Hương Sơn; Triển khai các hoạt động khám bảo hiểm cho bệnh nhân điều trị ARV. Nâng cao chất lượng các phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện trong toàn tỉnh; Chuẩn hóa phòng xét nghiệm; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động tại tuyến y tế cơ sở…
Nghị quyết 92 của Hội đồng nhân dân tỉnh có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giúp các đối tượng nghiện chích ma túy, bệnh nhân HIV được điều trị, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu: khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trên địa bàn Hà Tĩnh ở mức dưới 0,17% theo mục tiêu chiến lược đến 2020 và tầm nhìn 2030; đạt mục tiêu ba giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành để công tác phòng chống HIV/AIDS trở thành hoạt động thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày ở các gia đình, khu dân cư, làng, xã.
|