Quốc hội ban hành Luật tài nguyên nước số 28/2023/QH15

14/12/2023
Aa

Luật tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023

Luật Tài nguyên nước gồm 10 Chương và 86 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước 2023 đã bám sát mục đích, yêu cầu và thể chế hóa đầy đủ 04 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước, (2) Xã hội hóa ngành nước, (3) Kinh tế tài nguyên nước, (4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

ảnh minh họa
Dưới đây là những điểm mới của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 :
Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước
Quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các hồ chứa, đập dâng, công trình khai thác, sử dụng nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông, hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định và quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực.
Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông (LVS). Căn cứ vào kịch bản nguồn nước và yêu cầu về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, quy định của giấy phép và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước được công bố.
Trường hợp dự bảo xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, căn cứ vào tình hình thực tế, kết quả dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan điều chỉnh phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quy định cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng thiếu nước xảy ra.
Quy định về việc đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất
Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định các loại sông, suối, đập dâng phải xác định dòng chảy tối thiểu. Đồng thời, quy định rõ nguyên tắc, căn cứ và trách nhiệm xác định, công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất.
Bổ sung các quy định về ưu tiên đầu tư phát triển, tích trữ, phục hồi nguồn nước
Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung các quy định về xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt; ưu tiên tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác đã bảo đảm các quy định của pháp luật về môi trường, khoáng sản tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ, tạo cảnh quan sinh thái, phòng, chống ngập lụt, cấp nước dự phòng; Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung các quy định để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,…tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực; bổ sung quy định về việc xác định trong quy hoạch các nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết thực hiện việc điều hòa, phân bổ, bảo vệ và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Làm rõ nguyên tắc tách bạch giữa quản lý nguồn nước và quản lý vận hành công trình
Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.
Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ số lượng, chất lượng nước; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn liền với bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, chức năng nguồn nước.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước

Quy định về phân vùng chức năng nguồn nước

Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật; quy định cụ thể các chức năng cơ bản của nguồn nước

Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt
Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng.
Luật Tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung quy định rõ các loại nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa cần ưu tiên bảo vệ và phục hồi.
Bổ sung quy định phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm
Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung các quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: (1) Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân; (2) khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước; (3) xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời, bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).
Quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ
Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định trong quá trình thực hiện cấp giấy phép khai thác cát, sỏi và khoáng sản cơ quan có thẩm quyền phải thẩm định các nội dung về vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác, thời gian và chế độ khai thác trước khi cấp giấy phép bảo đảm không gây xói, lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp
Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định cụ thể về các loại hồ, ao, đầm, phá phải đưa vào Danh mục; quy định việc lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước
Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung các quy định chung trong khai thác, sử dụng nước; quy định về đăng ký, cấp phép tài nguyên nước; đặc biệt, bổ sung một số quy định về phân công rõ trách nhiệm cho các Bộ, địa phương trong khai thác nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.
Cùng với đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung thêm một số quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt, bổ sung quy định cụ thể về việc tuần hoàn, tái sử dụng nước, tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, tuỳ theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Quy định nội dung về quan trắc, giám sát tài nguyên nước và trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ.
Luật tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.


Ý kiến bạn đọc