Tiềm năng năng lượng gió sóng ngoài khơi tại các vùng biển việt nam và tại vùng biển Hà Tĩnh
Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
Trong khi đó, Biển Đông là một khu vực biển hẹp so với đại dương nên không tồn tại trường sóng lừng liên tục trong năm như các vùng bờ biển phía đông Đại Tây Dương hoặc bờ biển phía Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do nằm trên khu vực có hai chế độ gió mùa luân phiên nên được ban tặng cho nguồn tài nguyên năng lượng sóng phong phú nhất so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá mật độ năng lượng sóng ở Biển Đông thấp hơn vào mùa xuân - hè và cao hơn vào mùa thu - đông.
Hà Tĩnh với chiều dài bờ biển 137km, nằm trong khu vực biển Bắc Trung Bộ là nới có Gió Đông Bắc đạt tốc độ lớn nhất là 7-8m/s với tần suất xấp xỉ 10%; tốc độ 6-7m/s với tần suất 20%. Gió Đông đạt tốc độ lớn nhất 6-7m/s với tần suất xấp xỉ 20%, được đánh giá là có tiềm năng để khai thác, phát huy năng lượng gió, sóng ngoài khơi.
Để triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26, mục tiêu cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam”. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu về tiềm năng năng gió, sóng trong và ngoài nước và tận dụng tối đa nguồn số liệu gió, sóng, số liệu tái phân tích của các mô hình hiện có tại Việt Nam;
Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam đã đánh giá được tiềm năng năng lượng gió, sóng và các điều kiện tác động đến tiềm năng năng lượng gió, sóng chi tiết cho các vùng biển của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cập nhật và hoàn thiện Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam. Báo cáo là nguồn tài liệu tham khảo để các Sở, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, sóng ngoài khơi các vùng biển Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh.
Nội dung báo cáo gồm 4 phần:
Phần I: Thực trạng phát triển năng lượng gió, sóng ngoài khơi: Trong đó nêu lên thực trạng và xu thế phát triển tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng trên thế giới; Một số đánh giá ban đầu về tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng ở Việt Nam;
Phần II: Nguồn số liệu và phương pháp.
Phần III: Kết quả đánh giá tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng:
+ Kết quả đánh giá tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển Việt Nam
+ Kết quả đánh giá tiềm năng năng lượng sóng tại các vùng biển Việt Nam
+ Dự báo tiềm năng năng lượng gió, sóng theo kịch bản biến đổi khí hậu
Phần IV: Các nhân tố tác động đến khai thác năng lượng gió, sóng và ảnh hưởng của công trình khai thác tới môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội
+ Tác động của các thiên tai trên biển đến khai thác năng lượng gió, sóng
+ Ảnh hưởng của các công trình khai thác năng lượng gió, sóng ngoài khơi tới môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội./.