Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia với chủ đề “Môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp”
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần để phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2021 với chủ đề “Môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp” phân tích các khía cạnh liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam, từ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội (KT-XH), diễn biến hiện trạng chất lượng môi trường không khí, kết quả đã đạt được và những tồn tại trong công tác quản lý, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý môi trường không khí hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình D-P-S-I-R (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng). Động lực là các điều kiện tự nhiên cũng như KT-XH như: sự gia tăng dân số, phát triển đô thị, phát triển các ngành kinh tế và giao thông vận tải…, các vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí; tạo ra áp lực rất lớn làm thay đổi hiện trạng môi trường theo chiều hướng xấu đi. Hiện trạng môi trường không khí được đánh giá thông qua một số thông số trong môi trường không khí (TSP - tổng bụi lơ lửng và bụi PM10, PM2,5), lưu huỳnh điôxit (SO2), ôxit nitơ (NOx), ôzôn, tiếng ồn… từ mạng lưới quan trắc định kỳ và mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục. Ô nhiễm môi trường không khí gây các tác động đến sức khoẻ người dân, KT-XH. Đáp ứng là các giải pháp được đề ra và thực hiện nhằm quản lý hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí bao gồm các chính sách, pháp luật, thể chế, các công cụ quản lý kinh tế, thông tin cộng đồng. Báo cáo gồm 5 Chương gồm:
Chương 1. Điều kiện tự nhiên, KT-XH và sức ép lên môi trường
Chương 2. Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí
Chương 3. Tác động của ô nhiễm môi trường không khí
Chương 4. Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động quản lý môi trường không khí
Chương 5 . Phương hướng và giải pháp BVMT không khí
Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia với chủ đề “Môi trường không khí – Thực trạng và giải pháp” tập trung đánh giá, phân tích các khía cạnh liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam, từ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, diễn biến hiện trạng chất lượng môi trường không khí, kết quả đã đạt được và những tồn tại trong công tác quản lý, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý môi trường không khí hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo. Báo cáo là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, các chính sách, pháp luật về BVMT không khí đã được ban hành từ Luật BVMT, các quy định hướng dẫn thực hiện Luật cũng như Chiến lược BVMT và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường không khí đã đi vào hoạt động ổn định. Các quy định pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể hóa trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó bao gồm trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường khí và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường khí cấp tỉnh. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng môi trường không khí, khí thải từ các hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện. Công tác giám sát chất lượng không khí và công bố thông tin, khuyến cáo về ô nhiễm môi trường không khí được tăng cường thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí tự động, liên tục; số liệu quan trắc chất lượng không khí và chỉ số VN_AQI, các cảnh báo, khuyến nghị đã được đăng tải chính thức trên các trang thông tin điện tử của Bộ TNMT và các địa phương; các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT không khí được tăng cường. Các nguồn khí thải, đặc biệt là khí thải công nghiệp, năng lượng và giao thông được kiểm soát ngày một chặt chẽ. Cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí ngày càng được đa dạng hóa.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng không khí vẫn còn bất cập, chưa được giải quyết triệt để. Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho xây dựng, lắp đặt, duy trì các trạm quan trắc không khí tự động liên tục chưa đáp ứng với tốc độ phát triển KT-XH và nhu cầu quản lý trên thực tế. Trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng. Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và các địa phương chưa được chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời khi xảy ra những điểm nóng ô nhiễm không khí. Ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT không khí còn chưa cao; tình trạng xây dựng không bảo đảm yêu cầu về môi trường vẫn xảy ra, tình trạng đốt rơm rạ mùa thu hoạch cũng như đốt ngoài trời vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Các vấn đề tồn tại này cũng là nguyên nhân khiến cho thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây hoang mang cho nhân dân cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi các cấp quản lý cần xem xét và có sự quan tâm đúng mức để có những giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế nêu trên trong thời gian tới.
Phòng Môi trường