Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm) và đã phát triển quy mô sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng trăm quốc gia, hàng triệu lượt người trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Tiếp nối chủ đề đã được phát động tại Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 ( Cùng hành động để thay đổi thế giới ) và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5352/BTNMT-TTTT ngày 12/9/2021 đề nghị các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022.
Để triển khai các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 3385/STNMT-MT ngày 20/9/2022 gửi các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tuỳ điều kiện, đặc thù của cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, cụ thể như sau:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị quyết số 24 NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH TW (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị Quyết 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để hiểu rõ và thực hiện. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan.
- Treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường ở nơi công cộng, các đường phố chính, tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường (nội dung các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền theo mẫu tại phụ lục 1 kèm theo) .
- Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước; chăm sóc và bảo vệ cây xanh… gắn với thực hiện các nội dung Tiêu chí Môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương.
- Phát động các phong trào: Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon… Huy động sự tham gia của cộng đồng thu gom, thu hồi bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định; khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.
- Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế (thiết kế vì môi trường). Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân,... trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…); tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
- Các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là các địa phương ven biển (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh) tăng cường tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức đoàn thể, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển,…; đối với các huyện (Hương Khê, Đức Thọ,…) quan tâm tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
- Thông qua hoạt động chiến dịch, UBND các huyện, thị xã và thành phố rà soát, giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Qua đó kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý , giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Website tỉnh và các cơ quan truyền thông báo chí, các đài phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng đưa tin bài, phát sóng các vấn đề về môi trường, xây dựng chuyên đề, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự về bảo vệ môi trường; các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 trong đó tập trung vào nội dung xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, vận động nhân dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, tuyên truyền giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Thông tin, tài liệu truyền thông của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ http://www.monre.gov.vn/; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ https://monremedia.vn/; Tổng cục Môi trường, địa chỉ http://vea.gov.vn.
Video clip tuyên truyền Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn https://monremedia.vn/video-clip/trailer-tuyen-truyen-chien-dich-lam-cho-the-gioi-sach-hon-nam-2022.html
Nguyễn Thị Giang - Phòng MT