Phân loại rác tại nguồn – việc làm tất yếu vì tương lai

25/06/2024
Aa

Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hoá - đô thị hóa, cuộc sống người dân ở đô thị và nông thôn cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã được có nhiều thay đổi đáng kể: đời sống sinh hoạt nâng lên, nhiều thói quen tiêu dùng mới được hình thành đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây khó khăn và áp lực rất lớn đối với công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, phân loại rác tại nguồn được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác.

Phân loại rác tại nguồn là gì?

Phân loại rác là quá trình nhận biết và phân tách rác thành các loại rác có tính chất tương đồng nhau nhằm tối ưu hoá quá trình tái sử dụng, tái chế rác thải.

Phân loại rác tại nguồn là việc phân loại rác thải được thực hiện ngay tại thời điểm phát sinh rác, trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, xử lý.

Lợi ích của phân loại rác tại nguồn?

- Phân loại rác thải tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.

- Phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Phân loại rác thải tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

-  Phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Phân loại rác tại nguồn được quy định như thế nào theo Luật BVMT 2020?

Nhận thấy rõ những lợi ích và yêu cầu bức thiết của việc phân loại rác tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Luật BVMT 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả; thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

(1) Nguyên tắc phân loại:

Theo điều 75 Luật BVMT năm 2020, CTRSH (hay còn gọi là rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Bao bì đựng các loại CTRSH khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng CTRSH khác có màu vàng. Trong

trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh;

( 2) Thu gom, vận chuyển

Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.

(3) Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý

CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải thực phẩm nếu không được phân loại thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với CTRSH khác.

UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

( 4) Lộ trình thực hiện:

Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT” có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 theo đó có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH, không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền (tuy nhiên, việc xử phạt chỉ áp dụng từ sau ngày 31/12/2024).

Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.

Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Hà Tĩnh đã chuẩn bị cho việc triển khai đồng bộ phân loại rác tại nguồn như thế nào?

Trước khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực, Hà Tĩnh đã triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thí điểm các mô hình phân loại rác tại nguồn.

Giai đoạn 2018-2020, thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại 3 đơn vị (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh) tỉnh đã triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn và chính sách hỗ trợ thùng đựng CTRSH phục vụ phân loại CTRSH tại nguồn theo Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh, trong đó: thành phố Hà Tĩnh đã thí điểm công tác phân loại CTRSH tại 04 phường nội thị và triển khai các mô hình phân loại CTRSH tại các xã; thị xã Kỳ Anh đã triển khai ở 2/3 số xã, phường; thị xã Hồng Lĩnh đã thực hiện thí điểm các phường Bắc Hồng và Nam Hồng.. Riêng khu vực nông thôn, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã chủ động triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về phân loại CTRSH tại nguồn và cấp phát thùng đựng CTRSH cho các hộ dân để phân loại CTRSH tại nguồn (Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh). Nhìn chung kết quả triển khai phân loại CTRSH tại nguồn đã đạt được một số kết quả nhất định, giảm đáng kể lượng CTRSH phải đưa đi xử lý. Năm 2022 đã giảm 189,7 tấn/ngày (khoảng 26,4% lượng CTRSH phát sinh ) ; riêng các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Kỳ Anh, Đức Thọ giảm trên 30% lượng CTRSH phát sinh. Tuy nhiên do phương tiện vận chuyển chưa đầy đủ, khu xử lý thiếu đồng bộ nên quá trình thu gom, vận chuyển ở một số nơi đã nhập chung với CTRSH đã phân loại, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra của việc phân loại.

Từ ngày 01/01/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, để chuẩn bị cho việc triển khai đồng bộ phân loại rác tại nguồn theo lộ trình, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực triển khai nhiều nội dung từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường tập huấn, tuyên truyền, triển khai, nhân rộng các mô hình phân loại rác… Tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 01/3/2023 về Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể yêu cầu về phân loại CTRSH, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTRSH sau phân loại, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý CTRSH nói chung và triển khai phân loại rác tại nguồn nói riêng. Để khuyến khích việc phân loại CTRSH tại nguồn, Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích xây dựng mô hình ủ rác hữu cơ tập trung nhằm giảm lượng CTRSH phải vận chuyển đi xử lý, hỗ trợ công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trong đó nội dung tập trung là hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định; 90% CTRSH đô thị và 100% CTRSH nông thôn được phân loại tại nguồn; lượng CTRSH giảm sau phân loại tại nguồn đạt 29%; Tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 95% trở lên; Tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%.

- Trên 70% cơ sở trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp triển khai phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của tỉnh.

- Trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hộ gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo phương thức chung của tỉnh.

- 100% cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo phương thức chung của tỉnh.

- 100% huyện, thành phố, thị xã xây dựng, ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chi tiết phân loại CTRSH tại nguồn; tuyên truyền và hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về phân loại, thu gom, xử lý đối với Nhóm chất thải thực phẩm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp sau:

- Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn đến tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung đối tượng cán bộ nòng cốt cấp cơ sở và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã; các cấp huyện, xã giao các cấp Hội phụ nữ thường xuyên thực hiện tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn gắn với nhiệm vụ triển khai tiêu chí “3 sạch” (Nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch) trong Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh các huyện, thành phố, thị xã; hệ thống loa phát thanh của UBND xã, phường, thị trấn; tuyên truyền thông qua: App điện thoại, xây dựng sổ tay, nhãn, áp phích; video clip, phim, tiểu phẩm, bản tin…; các hoạt động tập huấn trực tiếp/trực tuyến, các buổi họp, các buổi nói chuyện, tọa đàm, hoặc hướng dẫn trực tiếp phân loại CTRSH tại nguồn cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Lồng ghép nội dung tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn vào các ngày lễ hội như Ngày môi trường thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

-  Hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau phân loại: tham mưu lựa chọn cơ sở sản xuất, phân phối hoặc cung ứng bao bì đựng CTRSH sau phân loại tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Củng cố, đầu tư đổi mới các trang thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển riêng cho từng loại CTRSH sau phân loại, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua thùng gom rác, xe cuốn ép rác cho các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để bổ sung phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; hoàn thiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo các điểm tập kết/điểm trung chuyển (nếu có) tại các xã, phường, thị trấn theo quy hoạch, phương án/kế hoạch/đề án thực hiện phân

loại CTRSH tại nguồn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; ưu tiên kết hợp bố trí điểm xử lý chất thải thực phẩm tập trung, điểm thu gom/tập kết chất thải nguy hại phát sinh từ phân loại CTRSH, chất thải cồng kềnh; Công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm CTRSH sau phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết và chuyển giao theo đúng quy định; Đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH, ưu tiên các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ CTRSH, hạn chế đến mức thấp nhất và hướng đến chấm dứt việc chôn lấp trực tiếp CTRSH.

- Kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH: Các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH rà soát, tăng cường nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển từng loại CTRSH sau phân loại theo lộ trình quy định, đảm bảo kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH: Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân: thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về phân loại CTRSH, CTRSH được phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế; bố trí thiết bị, công trình đáp ứng lưu giữ từng loại chất thải rắn đã phân loại; thiết bị lưu chứa CTRSH phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; tổ chức thu gom hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, làm việc tại khu đô thị, khu chung cư, tòa nhà văn phòng nơi mình quản lý thu gom CTRSH phát sinh về tại điểm tập kết đã bố trí trong khuôn viên để chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.

- Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương ban hành Kế hoạch/phương án thực hiện thu gom, xử lý CTRSH phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc phân loại của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo 3 cấp:

+ Cấp 1: do UBND cấp xã quyết định, thành phần tham gia ưu tiên cán bộ môi trường, Tổ trưởng khu phố, tổ dân phố, thôn/xóm trưởng, tổ trưởng/tổ phó tổ liên gia tại các thôn xóm/khối phố hoặc người đứng đầu tổ chức đoàn thể cấp thôn/xóm (Chi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ/Hội Nông dân/Trưởng ban công tác mặt trận,...), lực lượng dân phòng, các đoàn thể và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp... Nhiệm vụ: tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp xã và công tác thu gom, vận chuyển CTRSH từ nơi phát sinh đến điểm tập kết/trạm trung chuyển hoặc vận chuyển trực tiếp đến cơ sở xử lý/tái chế trong trường hợp địa phương không bố trí điểm tập kết/trạm trung chuyển chất thải sinh hoạt.

+ Cấp 2: do UBND cấp huyện quyết định, thành phần tham gia ưu tiên Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, đoàn thể, Công an và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp... Nhiệm vụ: tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các điểm tập kết/trạm trung chuyển, công tác vận chuyển CTRSH từ điểm tập kết/trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý/tái chế; đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 trên địa bàn cấp huyện.

+ Cấp 3: do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quyết định, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh và các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 và 2.

Việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng cấp1, cấp 2, cấp 3 được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH trên địa bàn ngày càng được hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn.

Phân loại rác tại nguồn là việc làm tất yếu vì một tương lai bền vững. Tuy nhiên, để phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen, việc làm tất yếu của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, hệ thống giáo dục... và việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nêu trên.

Nguyễn Thị Giang – Văn phòng Sở



Ý kiến bạn đọc