Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Ngày 26/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2770/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều với thành phần phức tạp, đang tạo ra áp lực cho môi trường. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: công nghệ xử lý một số nơi còn lạc hậu, vẫn còn công nghệ chôn lấp; phương tiện trang thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đồng bộ. Nhiều địa phương vẫn chưa có khu xử lý rác thải hoặc có nhưng không đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn, theo đó vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường do vứt rác bừa bãi tại các cầu cống, dọc các trục đường giao thông, ven sông, ven suối; đốt hoặc chôn lấp rác tại các điểm tập kết, trung chuyển… tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh rất bức bách.
Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như yêu cầu của thực tiễn tại địa phương cho thấy việc xây dựng quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và cấp bách vừa để thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa nhằm đạt các mục tiêu về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là mục tiêu “ tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định ” góp phần đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2770/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo với mục tiêu:
- Đến năm 2025: 90% CTRSH đô thị và 100% CTRSH nông thôn được phân loại tại nguồn; lượng CTRSH giảm sau phân loại tại nguồn đạt 29%.
- Đến năm 2032: 100% CTRSH ở cả khu vực đô thị và nông thôn được phân loại tại nguồn; lượng CTRSH giảm sau phân loại tại nguồn đạt 30%.
- Mạng lưới dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được hoàn thiện theo hướng mỗi huyện, thành phố, thị xã có một đơn vị đầu mối thực hiện thu gom, vận chuyển và quản lý toàn bộ các đơn vị, hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện.
- Trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư đủ, đồng bộ; hoàn thiện hệ thống các điểm trung chuyển/điểm tập kết đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
- Giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đốt, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm trung chuyển/điểm tập kết vào năm 2025; thực hiện chuyển đổi phù hợp các khu xử lý đã đóng cửa thành điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Đến năm 2025, đóng cửa các bãi chôn lấp hết công suất; đến năm 2032 chấm dứt xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
- Hình thành các khu xử lý tập trung quy mô liên huyện, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng khả năng xử lý CTRSH có đặc tính khác nhau; đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 10% công suất xử lý; dây chuyền xử lý chất thải đảm bảo đồng bộ, tuần hoàn khép kín, thu hồi năng lượng sau xử lý, không để phát sinh mùi hôi, khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Đoàn Nga - Phòng Môi trường