Triển khai các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo Luật bảo vệ môi trường
Ngày 11/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1225/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Được biết đây lần đầu tiên nội dung quản lý và BVMT di sản thiên nhiên được quy định tổng thể, đồng bộ trong Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 về việc quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
Theo quy định tại Điều 20, Luật BVMT, di sản thiên nhiên bao gồm: a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về tiêu chí, trình tự, thủ tục xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác, trong đó có khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên, trong đó quy định hệ thống di sản thiên nhiên gồm 03 cấp: Di sản thiên nhiên cấp tỉnh; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.
Để triển khai hiệu quả các quy định của Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào trách nhiệm về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên tại điểm b khoản 8 Điều 21, chỉ đạo, tổ chức triển khai một số hoạt động trọng tâm như:
Tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên và các quy định về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên tại Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Tổ chức rà soát, báo cáo về các di sản thiên nhiên hiện có trên địa bàn theo mẫu kèm theo và gửi về Bộ TN&MT trước ngày 30/4/2022, bao gồm rà soát, tổ chức, sắp xếp ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên theo thẩm quyền, hoặc gửi Bộ TN&MT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 21, khoản 6, điểm b, điểm c, điểm d của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; và tổ chức rà soát hiện trạng năng lực của các ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên để làm căn cứ xây dựng tiêu chí thống nhất theo quy định tại Điều 21, khoản 6, điểm b của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Chỉ đạo Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và BVMT di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 21, khoản 6 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
Tổ chức xây dựng dự án xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác, trong đó có khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất theo quy định tại Điều 19; Tổ chức lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế đối với các di sản thiên nhiên thuộc địa bàn theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Về nguồn lực cho quản lý và BVMT di sản thiên nhiên
Tại Điều 21, khoản 3 và khoản 6 tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, quy định rõ việc “ưu tiên nguồn lực" cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; đồng thời quy định cụ thể tại Chương XI. Nguồn lực BVMT.
Cụ thể, chi sự nghiệp môi trường (Điều 153, khoản 1, điểm a): Điều tra, khảo sát, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; xác lập, thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên; hỗ trợ công tác quản lý và BVMT các khu di sản thiên nhiên thuộc trách nhiệm của trung ương (Điều 151) hoặc thuộc nhiệm vụ của địa phương (Điều 152); Các nguồn chi khác (chi các hoạt động kinh tế, chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi đầu tư phát triển…) được quy định cụ thể cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học khác tại Điều 153 cho các hoạt động ở cấp trung ương (Điều 151) và cấp địa phương (Điều 152); Ngoài ra, Điều 21, Khoản 6, điểm b quy định Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên: được bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ… ; Điều 21, Khoản 7, điểm e quy định: Bộ TN&MT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt dự án phục hồi môi trường của di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tại Công văn, Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền, đồng thời đề xuất các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của trung ương và tổ chức triển khai đồng bộ các quy định khác về quản lý và BVMT đối với di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 21 và các quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại mục 1 chương X (Điều 121-129) của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Trong trường hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên, kịp thời đề xuất Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 21, khoản 7, điểm đ của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Đăng Xuân Hưng - Chuyên viên phòng Môi trường