Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh ban hành Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất

30/11/2024
Aa

Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết số 125/2024/NQ-HĐND ngày 18/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa (nguồn báo hà tĩnh)

Ngày 25/11/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 5454/HD-STNMT về trình tự tập trung, tích tụ ruộng đất để thay thế Hướng dẫn số 4981/HD-STNMT ngày 27/11/2023.

Nội dung hướng dẫn chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa, cụ thể như sau:

Bước 1: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc; Ban chuyển đổi ruộng đất; Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất; kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện

- Cấp huyện : UBND huyện tham mưu Ban Thường vụ Cấp ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất cấp huyện, thành phần, gồm: Trưởng Ban: Bí thư hoặc đồng chí Phó bí thư Thường trực cấp ủy; Phó ban Thường trực do đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND; thành viên Ban, gồm: Trưởng các Ban xây dựng Đảng liên quan, Chủ tịch Măt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, trưởng phòng chuyên môn liên quan thuộc UBND cấp huyện; Tổ Giúp việc Ban chỉ đạo do đồng Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là làm Tổ trưởng, thành viên Tổ Giúp việc là đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn một số, phòng ban chuyên môn liên quan

Ban chuyển đổi ruộng đất, thành phần gồm: Trưởng ban là đồng chỉ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm phó ban; thành viên gồm các phòng: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế - Hạ tầng; Tài chính kế hoạch và phòng, ngành liên quan do UBND cấp huyện quyết định;

- Cấp xã : UBND cấp xã tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo, thành phần gồm: đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban; Phó ban Thường trực do đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND; thành viên Ban, gồm: Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức chuyên môn liên quan cấp xã;

Ban chuyển đổi ruộng đất, thành phần gồm: Trưởng ban là Chủ tịch UBND cấp xã; Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách lĩnh vực; thành viên gồm: đại diện cán bộ, công chức chuyên môn liên quan do UBND cấp xã quyết định.

- Thôn, khối phố : UBND cấp xã quyết định thành lập Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn, khối phố, thành phần gồm: Bí thư Chi bộ cấp thôn làm Trưởng Tiểu ban; Thôn trưởng làm Phó Tiểu ban; thành viên gồm: Trưởng ban công Mặt trận, Trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn, khối phố và đại diện một số hộ dân có trình độ, am hiểu về đất đai và uy tín ở thôn, khối phố đề xuất.

- Ban Chỉ đạo, Ban chuyển đổi ruộng đất tham mưu Ban Thường vụ, UBND cùng cấp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, tích tụ ruộng đất, như: Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch, phương án và văn bản hành chính khác để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Ban chuyển đổi ruộng đất, Tổ Giúp việc, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất và tuyên truyền, phổ biến về chủ trương thực hiện dồn điền, đổi thửa đến tận cán bộ, đảng viên và Nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo Ban chuyển đổi ruộng đất, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất tổng hợp, trả lời và giải thích các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

Bước 2: Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa

a) Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt để Ban chuyển đổi ruộng đất cấp huyện chỉ đạo Ban chuyển cấp xã, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn tổ chức điều tra, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn từng thôn, khối phố cụ thể; nguyện vọng và nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; làm căn cứ xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng (nếu có).

b) Xây dựng Phương án dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và điều kiện của địa phương.

Phương án dồn điền, đổi thửa phải xây dựng theo địa bàn cấp thôn và phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại mục 1, phần II Hướng dẫn này và thể hiện được các nội dung sau:

- Thống kê, ghi rõ các thông tin thửa đất: Tờ bản đồ số, thửa đất số, diện tích, loại đất, tên chủ sử dụng đối với diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận, diện tích đất các hộ gia đình, cá nhân thực tế đang sử dụng ổn định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận; diện tích đất các hộ gia đình cá nhân đang sử dụng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (lý do); diện tích đất chưa giao, chưa cho thuê, đất công ích, đất hoang hóa, đất giao thông, thủy lợi nội đồng do nhà nước đang quản lý…(tổng hợp theo mẫu Biểu 01/CĐ);

- Tiêu chuẩn diện tích, số thửa khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; bảo đảm cùng một loại đất nông nghiệp (đất trồng lúa hoặc đất trồng cây hằng năm) mỗi hộ sử dụng từ 01 thửa - 02 thửa đất trên địa bàn cấp thôn, trong đó tối thiểu có 75% số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất 01 thửa/01 loại đất (đất trồng lúa hoặc đất trồng cây hàng năm);

- Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa: Xác định cụ thể quy mô diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa (trong đó nêu rõ diện tích đất giao thông, thủy lợi hiện có; diện tích đất các hộ gia đình, cá nhân hiến để làm giao thông, thủy lợi nội đồng (nếu có)); quy mô diện tích tối thiếu của thửa đất; phương án xử lý diện tích đất chưa sử dụng, đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận; tùy vào điều kiện quy mô diện tích đất dồn điền, đổi thửa của từng thôn, điều kiện canh tác (chất đất, đất dễ canh tác, khó canh tác…) có thể xây dựng hệ số K điều chỉnh quy đổi theo từng vùng (ví dụ vùng 1: Đất tốt, điều kiện canh tác dễ thì có hệ số K = 0,7; 0,8; 0,9…so với vùng 2; Vùng 2 chất đất xấu hơn, điều kiện canh tác khó khăn hơn thì có hệ số K = 1,1; 1,2; 1,3 so với vùng 1). Để thực hiện nội dung này, địa phương, thôn, khối phố cần căn cứ vào diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng (đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận QSD đất), quỹ đất nông nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, hồ sơ địa chính và các tài liệu khác có liên quan để xây dựng Phương án chuyển đổi ruộng đất cấp thôn phải đến tận hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và phải lấy ý kiến của Nhân dân trong thôn, khối phố và được Nhân dân đồng thuận.

- Phương án phải thể hiện được việc sắp xếp lại các thửa đất, khu đất, vùng đất nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; quy chế, phương án bốc thăm, công khai thứ tự vị trí các thửa đất tại khu vực trước khi tổ chức bốc thăm; xác nhận kết quả bốc thăm vị trí thửa đất của từng hộ gia đình, cá nhân; thời gian trả lời các kiến nghị, phản ánh của hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc thực hiện đồn điền, đổi thửa.

- Dự toán kinh phí, thời gian tổ chức thực hiện (Biểu 06/CĐ).

- Việc xử lý đất dư thừa do chuyển đổi ruộng đất thực hiện theo hướng dẫn tại các Văn bản số: số 3718/STNMT-KS ngày 22/8/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện Phương án xử lý khối lượng đất dư thừa trong quá trình chuyển đổi ruộng đất; số 2688/SNN-TT&BVTV ngày 23/8/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung chuyên môn liên quan về xử lý đất dư thừa trong quá trình cải tạo đồng ruộng, tập trung, tích tụ ruộng đất; số 3718/STC-GCS&TCDN ngày 23/8/2024 của Sở Tài chính về việc hướng dẫn bán tài sản là khối lượng đất dư thừa được xác định là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

- Tổ chức thực hiện: Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo, Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn lãnh đạo đạo, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành phần thực hiện Phương án dồn điền, đổi thửa.

Bước 3: Niêm yết công khai phương án dồn điền, đổi thửa tại nhà văn hóa thôn, khối phố và tổ chức họp dân theo từng thôn để lấy ý kiến

- Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của Nhân dân; lập thành biên bản có sự chứng kiến của đại điện Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã, Bí thư, trưởng cấp thôn, ban công tác mặt trận cấp thôn và đại diện người dân về các nội dung đã được thống nhất của Phương án dồn điền, đổi thửa trên địa bàn cấp thôn.

- Phương án dồn điền, đổi thửa phải bảo đảm sự đồng thuận của hộ gia đình, cá nhân tham gia Phương án.

Bước 4: Hoàn thiện phương án dồn điền, đổi thửa

- Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã và Tiểu Ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn giải trình, tiếp thu ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân liên quan, hoàn thiện phương án dồn điền, đổi thửa trên địa bàn cấp thôn báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã cho ý kiến trước khi tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan thẩm tra phương án dồn điền, đổi thửa của cấp xã trên cơ sở tổng hợp Phương án của từng thôn, khối phố, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện cho ý kiến trước khi phê duyệt Phương án.

Bước 5: Tổ chức thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa sau khi được phê duyệt

a) Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo các thôn, khối phố niêm yết công khai phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt trong suốt quá trình thực hiện tại nhà văn hóa thôn, khối phố.

b) Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn tổ thực hiện tổ chức bốc thăm số thửa đất theo vị trí trong Phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt, thực hiện đo đạc, cắm mốc ranh giới từng thửa đất để xác định vị trí, diện tích đất trên thực địa cho từng hộ gia đình, cá nhân đã bốc thăm; thi công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo phương án đã duyệt (nếu có), cụ thể:

- Tổ chức bốc thăm: Trên cơ sở Phương án đã được duyệt, Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tiểu Ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn thực hiện tổ chức cho hộ gia đình, cá nhân bốc thăm, nhận đất theo vị trí thứ tự thửa đất thể hiện trong Phương án đã được phê duyệt và phải lập danh sách về kết quả bốc thăm của từng hộ gia đình, cá nhân và phải có chữ ký xác nhận của người trực tiếp bốc thăm; Căn cứ vào kết quả bốc thăm nhận đất, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn lập danh sách chuyển kết quả bốc thăm, thông tin của hộ gia đình, cá nhân theo vị trí ranh giới, diện tích thửa đất đã bốc thăm cho Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã tổng hợp gửi Văn phòng Đăng ký đất đai để làm cơ sở đo đạc, chỉnh lý Bản đồ địa chính theo kết quả thực hiện Phương án chuyển  chuyển đổi ruộng đất đã được phê duyệt theo quy định;

- Thực hiện phá bỏ bờ thửa, di dời mồ mả, san phẳng mặt ruộng;

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo phương án quy hoạch;

- Phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển mốc giới, ranh giới, diện tích từng thửa đất đã khoanh vẽ trên bản đồ ra thực địa;

- Tổ chức bàn giao đất tại thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân theo kết quả bốc thăm phù hợp với vị trí đã được Văn phòng Đăng ký đất đai đo vẽ xác định trên thực địa.

c) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính đối với từng thửa đất theo kết quả bốc thăm của từng hộ gia đình, cá nhân theo phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt, cụ thể:

- Căn cứ kết quả tập trung, tích tụ ruộng đất tại các địa phương, thôn, khối phố và thiết kế kỹ thuật - dự toán Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính đất nông nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường đặt hàng với Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai chủ trì, phối hợp với địa phương và chủ sử dụng đất tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính theo quy định; phối hợp với thôn, khối phố và UBND cấp xã xây dựng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân sau tập trung, tích tụ ruộng đất đã được phê duyệt.

- Về kiểm tra, giám sát nghiệm thu sản phẩm đo đạc bản đồ, Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực để thực hiện và thẩm định, phê duyệt bản đồ chỉnh lý theo quy định.

- Bản đồ địa chính sau khi hoàn thành phải được đơn vị thi công ký xác nhận sản phẩm; đơn vị kiểm tra, giám sát ký xác nhận số lượng, chất lượng sản phẩm; Ủy ban nhân dân cấp xã và Tiểu Ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn ký xác nhận đo vẽ đúng hiện trạng đất quản lý, sử dụng; Sở Tài nguyên và Môi trường ký phê duyệt sản phẩm đủ điều kiện đưa vào sử dụng để thực hiện bước tiếp theo.

d) UBND cấp huyện Quyết định phê duyệt kết quả thực hiện Phương án dồn điền, đổi thửa của các thôn, khối phố (do UBND cấp xã trình, Phòng Tài và Môi trường thẩm định); xem đây là căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, Quyết định phải thể hiện được các nội dung sau:

- Diện tích đất, vị trí và số thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân được giao sau dồn điền, đổi thửa, số tờ bản đồ đã được phê duyệt; diện tích đất giao UBND cấp xã quản lý.

- Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trước đây của các hộ gia đình, cá nhân;

e) UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai, Tiểu ban chuyển đổi ruộng đất cấp thôn xây dựng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định phê duyệt kết quả thực hiện Phương án dồn điền, đổi thửa, trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, hồ sơ gồm có:

- Đơn đăng ký đất đai theo mẫu số 04/ĐK;

- Giấy chứng nhận QSD đất đã cấp trước khi dồn điền, đổi thửa (giấy cũ) hoặc bản sao Giấy chứng nhận QSD đất (đối với trường hợp đang thế chấp);

- Quyết định phê duyệt kết quả thực hiện Phương án dồn điền, đổi thửa do UBND cấp huyện phê duyệt;

- Tờ trình kèm danh sách đề nghi cấp GCNQSD đất theo Quyết định của UBND cấp huyện phê duyệt kết quả thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa.

* Xử lý trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất, các trường hợp người sử dụng đất không có mặt tại địa phương như sau:

- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước thời điểm thực hiện Nghi quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Tỉnh ủy nhưng đã bị mất thì chủ sử dụng đất phải làm đơn kê khai với UBND cấp xã nơi có đất và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo của mình. UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai việc mất GCNQSD đất tại cộng đồng dân nơi có đất và trụ UBND cấp xã. Theo đó, UBND cấp xã lập biên bản về việc niêm yết, kết thúc niêm yết việc mất GCNQSD đất, căn cứ kết quả niêm yết để xác nhận vào đơn kê khai của hộ gia đình, cá nhân để thông báo việc mất GCNQSD đất theo quy định, đồng thời lập hồ sơ đề nghị UBND cấp huyện cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân theo kết quả thực hiện Phương án dồn điền, đổi thửa ruộng đất đã được phê duyệt. Trường hợp sau khi cấp GCNQSD đất mà hộ gia đình, cá nhân tìm thấy giấy CNQSD đất cũ thì có trách nhiệm bàn giao cho UBND cấp xã nộp lại Văn phòng đăng ký đất đai để thu hồi, quản lý theo quy định .

- Trường hợp người sử dụng đất không có mặt tại địa phương thì phải có giấy ủy quyền được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định. Trường hợp người sử dụng đất không có mặt tại địa phương vì lý do bất khả kháng không có người nhận ủy quyền thực hiện việc dồn điền, đổi thửa thì Ban chuyển đổi ruộng đất cấp xã chỉ đạo Tiểu Ban chuyển đổi ruộng đất (thôn, khối phố) cử người trong Tiểu Ban chuyển đổi ruộng đất đại diện cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc bốc thăm, nhận ruộng thay. Việc cử người đại diện được thống nhất, thông qua tại cuộc họp của thôn, khối phố và ghi vào Biên bản họp.

Bước 6: Thẩm định, phê duyệt chính sách hỗ trợ chuyển đổi ruộng đất.

Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền phê duyệt chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi ruộng đất được thực hiện theo quy định tại các Mục I, II, III Phần A Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 125 của HĐND tỉnh. Các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 125 đã thực hiện từ khi Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh đến trước thời điểm Nghị quyết 125 có hiệu lực thi hành nhưng chưa được hỗ trợ thì được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 125.

Bước 7: Lưu trữ h ồ sơ dồn điền, đổi thửa chuyển đổi ruộng đất

UBND cấp xã, UBND cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ, quản lý hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

Phan Công Quyền - Đất đai 1



Ý kiến bạn đọc