Ba mươi năm nhìn lại
Hòa cùng dòng chảy lịch sử 190 năm thành lập, phát triển tỉnh Hà Tĩnh (1831-2021) và thành tựu 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991-2021), trong không khí náo nức ấy, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng nhìn lại những hoạt động, những khó khăn, thách thức và những bước tiến vượt bậc qua từng năm tháng để tiếp tục đóng góp ngành vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiền thân là phòng quản lý đất đai thuộc Sở Nông nghiệp, sau khi sát nhập với tỉnh Nghệ An, tháng 4/1976 đến tháng 6/1981 phòng quản lý ruộng đất thuộc Sở nông nghiệp Nghệ Tĩnh được tách ra và lập thành Ban quản lý ruộng đất Nghệ Tĩnh trực thuộc UBND tỉnh, chức năng tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Sau khi tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (tháng 9/1991), Ban quản lý ruộng đất Nghệ Tĩnh cũng tách ra thành Ban quản lý ruộng đất Nghệ An và Ban quản lý đất đai Hà Tĩnh. Giai đoạn này, cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện làm việc khó khăn (ban đầu thuê mấy gian nhà cấp 4 của Công ty Dược, sau xây dựng nhà làm việc với 5 phòng tại đường Võ Liêm Sơn), tuy nhiên Ban quản lý ruộng đất đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, phối hợp với các cấp, các ngành hoàn thành xây dựng hồ sơ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, giải quyết kịp thời các yêu cầu về đất đai cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Năm 1994, Tổng cục Địa chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục quản lý ruộng đất và Cục đo đạc bản đồ nhà nước, theo đó UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thành lập Sở Địa chính trên cơ sở Ban quản lý ruộng đất. Bộ máy lúc này gồm Ban giám đốc và 05 phòng chuyên môn (Phòng Thanh tra - giao đất, Phòng đăng ký thống kê, phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp, phòng Đo đạc - Bản đồ) và một đơn vị cấp dưới là Đội đo đạc bản đồ. Đến năm 1999 thành lập Trung tâm kỹ thuật và lưu trữ địa chính trên cơ sở Đội đo đạc và bổ sung thêm chức năng thông tin, lưu trữ địa chính. Hoạt động của Sở rộng hơn, sâu hơn, không chỉ tham mưu công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ, quy hoạch kế hoạch ruộng đất, thống kê, kiểm kê đất đai mà còn cả lĩnh vực giao đất, cho thuê đất, đăng ký thế chấp, góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cấp Giấy CNQSD đất.
Sau khi Chính phủ thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2002, tháng 09/2003 UBND tỉnh đã thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở Sở Địa chính và sát nhập một số phòng, lĩnh vực thuộc các Sở Công nghiệp, Nông nghiệp, Khoa học công nghệ môi trường, tham mưu về quản lý nhà nước trên 09 lĩnh vực quan trọng gồm: Tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, quản lý lĩnh vực về giá đất, biển đảo, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, môi trường.
Như vậy, ngành quản lý đất đai Hà Tĩnh từ chỗ một phòng chuyên môn trực thuộc ngành nông nghiệp, cán bộ ít ỏi, cơ sở vật chất nghèo nàn, chức năng tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đến nay Sở Tài nguyên môi trường là một Sở đa ngành trực thuộc UBND tỉnh, số lượng cán bộ công chức đã cơ bản đạt chuẩn và đáp ứng yêu cầu (cấp tỉnh trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư chiến 91,3%), cấp huyện thạc sỹ, kỹ sư chiếm trên 70%, cấp xã chiếm trên 30%). Tổ chức bộ máy ngành từng bước được kiện toàn, trang thiết bị, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường và hiện đại hóa đáp ứng được nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từng bước ổn định, đóng góp của ngành cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng to lớn.
Sau ba mươi năm tái lập tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực của ngành như:
Công tác quản lý đất đai và đo đạc bản đồ: Đã cơ bản hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chính, cấp GCNQSD đất cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân. Việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện kịp thời. Công tác bồi thường, GPMB được tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng giá đất đảm bảo đúng quy định, kịp thời phục vụ tốt cho công tác GPMB, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở đang tích cực triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới, hướng tới ứng dụng tin học hóa trong quản lý đất đai.
Công tác bảo vệ môi trường được tăng cường, chỉ đạo sâu sát đến tận cơ sở, bước đầu đạt được nhiều kết quả: Đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và triển khai thực hiện; Tập trung cao cho tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm công tác bảo vệ môi trường trong các KCN, CCN, các khu chăn nuôi; xử lý cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiến hành rà soát, điều tra, đánh giá đề xuất để xử lý đối với các điểm ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ chiến tranh để lại; tăng số lượng quan trắc chất lượng môi trường, góp phần đánh giá chất lượng môi trường theo từng vùng, lĩnh vực; đã thực hiện giám sát quan trắc online 24/24h đối với các dự án có nguồn phát thải lớn. Kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường tại Dự án Formosa, đến tháng 9/2019, Formosa đã khắc phục 53/53 lỗi vi phạm; tháng 12/2020, Hội đồng liên ngành của Bộ TNMT đã đánh giá việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường bổ sung.
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường, đã và đang tích cực khắc phục, chấn chỉnh, việc cấp phép thăm dò, khai thác được rà soát chặt chẽ, công khai, minh bạch thông qua hình thức đấu giá. Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản được tăng cường và thực hiện thường xuyên, liên tục hơn.
Công tác quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được thực hiện chủ động, tích cực: Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tài nguyên nước; thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai, tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Từng bước triển khai các hoạt động về xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; giới thiệu vị trí nhận chìm vật chất nạo vét luồng lạch ở biển (để phục vụ một số dự án đầu tư ven biển) và giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biển, hải đảo được chú ý tăng cường.
Về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tham mưu giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến khiếu kiện kéo dài tại các địa phương.
Về cải cách hành chính, nhất là cải cách tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã mạnh dạn giải thể 02 Chi cục chuyển thành 02 phòng chuyên môn, sáp nhập 05 phòng chuyên môn thành 03 phòng; 02 đơn vị sự nghiệp thành 01 đơn vị; thành lập, kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai 1 cấp đưa vào hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn Sở có 403 công chức, viên chức và người lao động; 07 phòng, 03 đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có những thời điểm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, thiếu chặt chẽ; Công tác cải cách hành chính một số nội dung chưa đạt yêu cầu, chỉ số xếp hạng CCHC một số năm đạt thấp. Việc tiếp nhận xử lý hồ sơ theo hình thức dịch vụ công trực tuyến tỷ lệ chưa cao; Một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai chậm hoàn thành, chất lượng chưa cao; Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số nơi; cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ thực hiện chưa tốt; Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn thiếu chặt chẽ, chưa hình thành được các khu xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Quy hoạch xử lý rác thải bằng lò đốt tại một số địa phương chưa thực hiện được; Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang diễn ra khá phổ biến; Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, việc giải quyết còn kéo dài; Công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực chuyên ngành chưa thường xuyên.
Do vậy, để tiếp tục góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cần phải kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Bộ Tài nguyên và Môi trường; bám sát các chỉ đạo của cấp trên để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp; Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình từ cơ sở; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra cần kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng – an ninh.
30 năm nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những tồn tại trong hoạt động và phát triển của ngành tài nguyên môi trường để mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cần phải nỗ lực hơn nữa, phải gắn trách nhiệm của mình với công việc để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa ngành tài nguyên môi trường ngày càng có vị thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Trần Thị Thanh - VPS