Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Thực trạng và giải pháp tại tỉnh Hà Tĩnh

11/01/2019
Aa

Thời gian qua, sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản đã giúp người dân, doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực này tăng thu nhập, kinh tế phát triển, tuy nhiên từ đó cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường đáng lo ngại và cần phải có những giải pháp ngăn chặn.

- Thực trạng công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trạng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh

Theo số liệu thống kê, đến năm 2017, Hà Tĩnh có 6.793ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2.312ha nuôi nước lợ, 481ha nước mặn và 4.000ha nước ngọt, với tổng 17.975 cơ sở, gồm: 17.523 cơ sở nuôi nước mặt, 427 cơ sở nuôi lồng bè và 22 cơ sở sản xuất giống gắn với các hình thức nuôi như nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi tôm trên cát,… đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với môi trường. Một trong những áp lực đó là việc lạm dụng và xử lý các loại hóa chất cấm, độc hại bị cấm sử dụng trong cải tạo và xử lý ao đầm; việc người dân cũng như doanh nghiệp “quên đi” công tác BVMT mà chỉ chú tâm cho phát triển kinh tế, không nhận ra hệ lụy cho môi trường là do ý thức của mình gây ra, đó là việc tuân thủ thực hiện xây dựng, vận hành sử dụng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường không đảm bảo.

Theo đó, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh để xử lý bệnh cho tôm, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, tình trạng các hộ nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải không đúng quy định (một số nơi vẫn còn xẩy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, hay khi tôm chết cũng thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi, hoặc xả trực tiếp ra biển), vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các hộ khác lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào nuôi, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt và gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cho người dân khu vực xung quanh khu vực. Đó là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang rất cần cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng…. Trường hợp xử lý chưa được triệt để gây nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước xung quanh. Thực tế, qua theo dõi, nắm bắt tình hình cho thấy, về hiện trạng xử lý chất thải tại các dự án nuôi tôm trên cát hiện nay, đối với các cơ sở có công trình xử lý chất thải thì mỗi cơ sở chỉ bố trí 1-2 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra môi trường; một số vùng đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống bê tông trước khi thoát ra biển như vùng nuôi tôm 53 ha tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Ngoài ra tình trạng nhiều cơ sở còn không bố trí ao lắng hoặc ao lắng không đảm bảo khả năng chứa và lắng lọc nước thải và hầu hết các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ khá phổ biến, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường... Qua đó, cho thấy, nhìn chung hiện nay việc xử lý nước thải NTTS là chưa đảm bảo, hầu hết các cơ sở chưa đầu tư các công trình xử lý nước thải theo đúng nội dung Báo cáo ĐTM/Đề án BVMT, cam kết BVMT đã được phê duyệt. Không những thế, do việc xử lý môi trường ao nuôi không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp và ô nhiềm môi trường ngay tại ao nuôi làm cho dịch bệnh lây lan, bùng phát tại khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản (nhất là nuôi tôm trên cát). Theo đó, hậu quả để lại dự án hoặc hộ gia đình phải dừng nuôi, không còn hoạt động nữa. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường từ hệ lụy của quá trình hoạt động cũng là một vấn đề cần giải quyết dứt điểm trong công tác bảo vệ môi trường.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Mặc dù, những năm qua, chính quyền địa phương các cấp có những giải pháp tích cực để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, nhất là thời gian gần đây, có nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí yêu cầu tạm dừng hoạt động, song đánh giá một cách tổng thể  cho thấy, việc xử lý vi phạm cũng như việc giám sát việc thực hiện khắc phục các tồn tại còn nhiều bất cập, chưa thực sự  “mạnh tay”. Do đó, chưa có tính răn đe, dẫn đến ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm, một số địa phương vẫn còn tình trạng “buông lỏng” trong công tác quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các tổ chức, cá nhân hoạt động trong nuôi trồng thủy sản như sau:

- Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản, vấn đề ưu tiên và rất cần là ý thức và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đối với môi trường và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.  Theo đó,các chủ cơ sở cần nâng cao ý thức chấp hành, sự hiểu biết của mình về pháp luật quy định trong lĩnh bảo vệ môi trường, về công nghệ nuôi ít gây ảnh hưởng đến môi trường (nuôi luân canh, nuôi kết hợp, sử dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước,…), phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm, việc thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ,…

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh

Và hơn hết là việc tuân thủ thực hiện, xây dựng, vận hành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, Cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận. Đối với chất thải rắn thông thường phát sinh (chất thải sinh hoạt, bao bì đựng thức ăn, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, xác tôm chết,…) cần được thu gom, xử lý đúng quy định và định kỳ thực hiện việc vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản. Trường hợp đã gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường do hoạt động nuôi trồng của mình gây ra thì cần phải kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan tìm ra nguyên nhân, thực hiện các giải pháp khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và thiệt hại kinh tế của tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản; thông tin nhanh chóng về UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc chính quyền địa phương (xã, huyên) khi phát hiện các yếu tố diễn biến môi trường bất thường khu vực ven biển, cửa sông để có giải pháp ứng phó, xử lý phù hợp.

- Về công tác quản lý: các cấp, ngành, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có). Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh ô nhiễm môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc trách nhiệm quản lý nhằm quản lý nghiêm việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng “buông lỏng” như bấy lâu nay có diễn ra. Theo đó, đối với các dự án chưa đi vào hoạt động phải yêu cầu các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản phải hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, đặc biệt là phải có đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt đạt chất lượng theo quy chuẩn hiện hành khi thải vào nguồn tiếp nhận. Đối với các dự án đã hoạt động, trong những trường hợp kiểm tra, phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật theo thẩm quyền (tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc tạm dừng, chấm dứt hoạt động,…); Trường hợp gây ô nhiễm phải yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm, sửa chữa lại công trình (nếu kiểm tra, phát hiện không đảm bảo) để yêu cầu xử lý đảm bảo đạt chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành trước khi thải ra môi trường tiếp nhận. Về mặt chính sách cần nghiên cứu và đề xuất chính sách  khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng nuôi luân canh, nuôi kết hợp, sử dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, hạn chế xả thải, đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

Trần Thị Thành - Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh



Ý kiến bạn đọc