Đề xuất giải pháp thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đối với các xã đã đạt chuẩn và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mớitrên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

09/01/2019
Aa

Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn đã đổi thay đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt, công tác BVMT đã được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Theo tổng hợp báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 01 huyện và 158 xã (chiếm 69,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 158 xã đạt chuẩn tiêu chí Môi trường, chiếm 69,3% (bằng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

- Về tình hình thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh:

Trên cơ sở Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, ngày 07/02/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ( gọi tắt là Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ). Bộ tiêu chí về xã NTM mới được ban hành có nhiều điều chỉnh so với bộ tiêu chí đã được áp dụng trong giai đoạn trước, trong đó tiêu chí môi trường tăng lên (từ 5 lên 8 chỉ tiêu) với nhiều nội dung mới như an toàn thực phẩm, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, BVMT trong chăn nuôi... Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng quy định chặt chẽ một số nội dung như tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định...

Qua kiểm tra, rà soát tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn cho thấy, tình hình thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể đường làng, ngõ xóm không chỉ sạch mà còn đẹp, gọn gàng, có nhiều tuyến đường trở thành đường mẫu xanh - sạch - đẹp; công tác kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được quan tâm hơn; việc thu gom và xử lý chất thải dần đi vào nề nếp.

Cảnh quan môi trường tại tuyến đường trục thôn xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (xã đã được công nhận năm 2013)

Tại một số xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm tiếp theo đã bắt đầu triển khai các hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp (như xây bồn, trồng cây hàng rào xanh, ra quân cải tạo vườn hộ), tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa đảm bảo 3 sạch và quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, chất thải chăn nuôi trên địa bàn,…

Phong trào chỉnh trang khu dân cư (xây bồn, trồng hoa) tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2019)

Tuy nhiên, các xã vẫn còn lúng túng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm, cũng như việc thực hiện để đạt chuẩn tại các xã phấn đấu đạt chuẩn; Qua 2 năm thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm theo Quy định tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND, cho thấy, tiêu chí còn nhiều nội dung khó thực hiện, chỉ tiêu đánh giá còn chưa rõ ràng, ảnh hưởng tới mục tiêu phấn đấu của các địa phương.

Đối với các xã đã đạt chuẩn: Việc thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm tại nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn từ năm 2015 về trước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND. Năm 2017 và năm 2018,  Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đánh giá lại việc thực hiện tiêu chí tại các xã theo quy định mới, tuy nhiên, tình trạng “rớt chuẩn” vẫn còn khá phổ biến. Đối với các xã vẫn duy trì và thực hiện được theo quy định mới đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về quy định tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, mặc dù UBND tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng NTM, sau khi đã được công nhận đạt chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng đời sống nông thôn, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển và thay đổi bộ mặt nông thôn trên toàn tỉnh, theo đó UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, trong đó tiêu chí môi trường được định lượng với 4 chỉ tiêu. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND hiện không phù hợp so với quy định hiện tại theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở Quyết định số 691/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, Hà Tĩnh đang xây dựng Bộ tiêu chí áp dụng trên địa bàn tỉnh. Do sự thay đổi trong quuy định về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và sự “thỏa mãn”, “xả hơi” dẫn đến phong trào xây dựng nông thôn mới sau khi đạt chuẩn của các xã đã được công nhận có phần nào chững lại. Theo đó, việc duy trì thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm không thực hiện được, dẫn đến nhiều xã “rớt chuẩn”.

Đối với xã đăng ký, phấn đấu đạt chuẩn trong năm tiếp theo, việc bắt đầu triển khai thực hiện tiêu chí còn nhiều lúng túng, khó định hình công việc cụ thể và nguồn kinh phí trong xây dựng kế hoạch thực hiện. Qua kết quả kiểm tra, thẩm định năm 2018, cho thấy: Hầu hết các xã đều đến giai đoạn “nước rút” mới tập trung cho việc triển khai thực hiện tiêu chí. Do đó, tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm thường đạt cuối cùng trong 20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thậm chí nhiều xã trở thành xã cần phải cân nhắc trong bỏ phiếu công nhận.

- Đề xuất giải pháp thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực  phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đối với các xã đăng ký, phấn đấu đạt chuẩn trong những năm tiếp theo, cần có những giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai sát với thực tế và xác định trọng tâm các nội dung của tiêu chí để triển khai hiệu quả. Ngoài ra, đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn, ngoài việc duy trì các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND cần phải thực hiện nâng cao chất lượng của các tiêu chí để đạt bền vững. Riêng đối với tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm cần phải xây dựng những mô hình thí điểm, vừa làm điểm mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng, vừa làm mô hình “mẫu”, gọi là xây dựng “điểm nhấn” nhằm góp phần làm thay đổi hơn nữa bộ mặt của toàn xã, tiến tới xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo đó, các xã xác định rằng, những chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (tỷ lệ chất thải được thu gom và xử lý (như hình thành tổ đội vệ sinh môi trường tại các thôn, hoạt động có hiệu quả), tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước đáp ứng QCVN 02:2009/BYT...), cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu “mới” so với yêu cầu tại quy định tại giai đoạn được công nhận đạt chuẩn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT nói chung và “giữ chuẩn” của xã nói riêng.

Đối các xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm trong những năm tiếp theo, việc triển khai các nội dung tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đạt theo các chỉ tiêu yêu cầu “bắt buộc” của tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng tiêu chí cũng cần lựa chọn 1 mô hình mẫu tạo điểm nhấn trong thực hiện tiêu chí, theo đó cần chú trọng cảnh quan môi trường, thu gom xử lý chất thải và xử lý chất thải chăn nuôi trong khu dân cư.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu của tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm cần phải tập trung vào một số giải pháp:

+ Rà soát cụ thể các nội dung cần thực hiện đối với tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn trước năm 2016 (là thời điểm Quyết định số 05/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành). Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa được đánh giá trong giai đoạn trước, các xã cần có lộ trình thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới. Đối với xã phấn đấu đạt chuẩn trong những năm tiếp theo, cần rà soát cụ thể các nội dung tiêu chí theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 624/STNMT-CCMT ngày 14/3/2018, từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm đáp ứng theo yêu cầu các nội dung của tiêu chí. Quá trình rà soát phải sát đúng với thực tế, cụ thể đến từng hộ dân, từng cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Quá trình thực hiện cần phải giao cho từng cá nhân, đoàn thể phụ trách có trách nhiệm, đảm bảo sát đúng và xây dựng nên kế hoạch thực hiện chi tiết. Về nội dung kế hoạch bao gồm nội dung thực hiện, kinh phí, người chịu trách nhiệm hoàn thành, thời hạn hoàn thành. Định soát xét, đánh giá các nội dung theo kế hoạch đề ra để có những giải pháp khắc phục và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn.

+ Đối với việc nâng cao chất lượng tiêu chí lựa chọn, xây dựng mô hình thí điểm về xã NTM kiểu mẫu, trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã kiểu mẫu cần chú trọng vào vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định ở mức tối đa; chú trọng đến việc xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình kiểu mẫu đối với từng chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chí môi trường, như mô hình thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật,...

+ Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT nhằm đa dạng hóa nguồn lực BVMT thông qua việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho BVMT, tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, giám sát công tác BVMT tại địa phương. Nhiều xã đã thành công trong việc huy động sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí của con em xa quê, các “mạnh thường quân”, các nhà hảo tâm trên địa bàn để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

+ Tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm là tiêu chí “khó đạt” mà cũng “dễ rớt”, phụ thuộc phần nhiều vào ý thức người dân, cách làm, cách triển khai, tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương , đoàn thể, hệ thống chính trị. Theo đó, một trong những giải pháp thành công trong thực hiện tiêu chí là tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức: qua loa phát thanh, truyền hình, quảng bá, qua tập huấn tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt và cách vận động “dài hơi”, kiểu “mưa dầm thấm lâu”, đến từng hộ gia đình để vận động “lần 1, lần 2, lần 3 và nhiều lần khác nữa”, hoặc “làm mẫu” để mọi người noi theo, “nói được làm được”, “làm cho dân hiểu” vừa hiểu về cách làm, hiểu về tác hại của những vấn đề ô nhiễm môi trường do các hoạt động sinh sống, sản xuất nông nghiệp gây ra cho sức khỏe người dân để dân phải “sợ” mà “cải thiện lối sống, điều chỉnh hành vi của mình gây ra”, hiểu về tác dụng tích cực của việc chỉnh trang, cải thiện môi trường nông thôn, làm cho môi trường tốt lên… Có thể nói, một trong những giải pháp thành công nữa đó là chính quyền địa phương phải quyết liệt, vừa phải “mạnh tay”, vừa “mềm dẻo” trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và thực hiện có hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Trần Th Thành​ - Chi cục BVMT



Ý kiến bạn đọc