Làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm đến lĩnh vực TN&MT
Lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã đăng đàn trả lời và phần nào làm rõ nhiều nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn của kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.
Theo đó, trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã tập trung vào nhóm vấn đề: Thực trạng cấp đất trái thẩm quyền; Công tác quản lý quy hoạch cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thông thường; Vấn đề thu phí vệ sinh, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn…
Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII
Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Nhuần (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên), đặt câu hỏi: Liệu có xảy ra trường hợp hợp thức hóa để được cấp đất có nguồn gốc trước 1980 hay không ?. Chia sẻ ý kiến này, Giám đốc Hồ Huy Thành thừa nhận xử lý vấn đề đất trước năm 1980 rất khó khăn, cần phải xem xét hết sức thận trọng. Theo quy định Luật Đất đai 2013, để được công nhận đất trước năm 1980 phải có các loại giấy tờ cụ thể, trên cơ sở đó chính quyền xác định nguồn gốc. Còn đất trước năm 1980 không có giấy tờ thì có nghĩa về mặt pháp luật chưa đạt yêu cầu.
Về giải pháp đối với những đối tượng không nằm trong những nội dung cụ thể nêu trên, không xác minh được nguồn gốc đất trước năm 1980, theo ông Hồ Huy Thành thì tiến hành công nhận theo Luật Đất đai hiện hành, quy định cụ thể diện tích cấp đất ở của vùng nông thôn, diện tích cấp đất ở thành thị. Tư lệnh ngành thừa nhận so với kế hoạch đề ra thì việc công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 tại các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện còn chậm, có rất nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc công nhận lại đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, đến nay các địa phương đã thực hiện kê khai được 17.396 thửa/138.000 thửa, đạt gần 13% nhu cầu. UBND cấp xã đã xét duyệt được 6.913 thửa, đạt gần 40% số thửa đã kê khai và đạt 5% nhu cầu; UBND cấp huyện đã ban hành quyết định công nhận lại quyền sử dụng đất ở cho 716 thửa.
Liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu Đoàn Đình Anh nêu vấn đề: “Việc đo vẽ bản đồ sai nên không cấp giấy chứng nhận được cho người dân. Người dân phải thuê tiếp đơn vị khác để thực hiện. Như vậy vừa mất tiền ngân sách, vừa mất của người dân”.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng: Một số địa phương chưa có sự phối hợp với đơn vị tư vấn, hội đồng của xã làm không hiệu quả. Để hoàn thành công tác cấp đổi GCNQSD đất, xử lý trao hết số GCNQSDĐ đã ký cho người sử dụng, yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã tập trung rà soát cụ thể các trường hợp tồn đọng đến thời điểm hiện nay chưa cấp GCNQSDĐ, làm rõ nguyên nhân vướng mắc của từng trường hợp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của các phòng ban liên quan của cấp huyện và UBND cấp xã để tập trung xử lý dứt điểm.
Ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh trả lời câu hỏi của đại biểu trong phần chất vấn
Làm rõ thêm vấn đề đo vẽ bản đồ sai, ông Lê Đình Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu, thực hiện sự phân công của UBND tỉnh thì Sở TN&MT có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn, sau đó các huyện ký trực tiếp với những đơn vị này thực hiện. Việc đo vẽ bản đồ sai nên không cấp Giấy chứng nhận được cho người dân một phần do năng lực của đơn vị tư vấn, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ trách nhiệm của chính quyền, của những người làm công tác chuyên môn, đặc biệt là chính quyền cấp xã, thôn trong quá trình dẫn đạc dẫn đến nhiều sai sót. Đề nghị cần tập trung giải quyết.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu về việc: Thời gian qua, việc cấp phép khai thác đất, cát không đảm bảo yêu cầu dẫn đến thiếu đất cát nghiêm trọng, giá cả tăng vọt. Nhiều công trình dự án phải dừng xây dựng, nguồn cát phải dựa vào Quảng Bình, Nghệ An, nhất là dựa vào cát “lậu”. Vậy lỗi này do sự điều hành của UBND tỉnh hay do tham mưu của Sở TN&MT?
Ông Hồ Huy Thành, phân tích: Quy hoạch khoáng sản được HĐND tỉnh thông qua được tính toán, xác định, ban hành quy hoạch mỏ dựa theo quy hoạch kinh tế - xã hội trước đây. Việc thực hiện đã không hiệu quả, xảy ra hiện tượng thừa - thiếu cục bộ.
Về giải pháp, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch khoáng sản đồng thời rà soát các khu vực mỏ nằm trong khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép khai thác; Khẩn trương tập trung hoàn thành bổ sung 21 khu vực đất san lấp và 2 khu vực cát xây dựng để tiến hành cấp phép; yêu cầu, đôn đốc các đơn vị khai thác cát trên địa bàn sử dụng thiết bị, phương pháp khai thác theo đúng thiết kế; tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.
Việc xử lý hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép, sau hai tháng lực lượng công an và ngành đã ra quân kiểm tra quyết liệt theo hoạt động của các Tổ liên ngành, kiểm soát và cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Vậy nhưng, gần đây ở một số địa phương đã tái diễn với các vụ ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Do vậy, thời gian tới, những vụ xảy ra nhiều lần phải chuyển đến cơ quan điều tra.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận công tác quản lý có những lúc còn buông lỏng, có tình trạng quy hoạch mỏ không phù hợp. Nơi cấp mỏ thì không khai thác mà đi khai thác lậu. Đến khi Công an “chặn” nguồn cát lậu thì thiếu cát, giá tăng đột biến ngay”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Sở TN&MT phải mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh quy hoạch, quản lý thực trạng trên, còn như hiện nay, xây một căn nhà mà cát đội giá lên hai ba lần, như thế chỉ làm tội dân.
Được biết, tính đến hết tháng 6/2019, UBND tỉnh đã cấp phép 13 mỏ đất san lấp, tổng công suất khai thác cấp phép là 1.287.000 m3/năm và 10 mỏ cát sỏi, tổng công suất khai thác cấp phép là 103.200 m3/năm. Trong khi đó, dự báo nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 đối với cát xây dựng là 3.000.000m3/năm, đất san lấp là 4.000.000 m3/năm. Như vậy, sản lượng cấp phép khai thác đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng 3,5% và đất san lấp mới đáp ứng được 32% so với nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”.
Liên quan đến cấp mỏ khoáng sản, Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần nêu: Việc đánh giá trữ lượng mỏ khoáng sản có vấn đề nên mới xẩy ra hiện tượng thời gian khai thác chưa hết nhưng đã hết trữ lượng, nhiều đơn vị tiếp tục hoạt động khai thác vượt phạm vi cấp phép ?. Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, việc đánh giá trữ lượng mỏ được hội đồng khoa học, phối hợp các chuyên gia thực hiện nên việc sai sót gần như không thể xẩy ra. Tuy nhiên, vừa qua cũng cho thấy khi nhu cầu vật liệu gia tăng, công tác quản lý có những lúc còn sơ hở nên nhiều đơn đã nâng công suất khai thác hàng năm nên mới dẫn đến tình trạng chưa hết thời hạn khai thác nhưng hết trữ lượng.
Theo dự kiến, kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 15/7 đến ngày 17/7, ngoài phần trả lời chất vấn của tư lệnh ngành TN&MT thì lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung làm rõ nhiều nội dung đại biểu và cử tri quan tâm.
Đức Cảnh-Baotainguyenmoitruong.com