Mở rộng kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai
Sáng 4/10, tại trụ sở Tổng cục thuế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài Chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm và triển khai mở rộng kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có hai đơn vị thực hiện việc kết nối của hai Bộ là Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế; đại diện các cơ quan có liên quan của 8 tỉnh, thành phố thực hiện việc liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai là: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương và đại diện một số tỉnh, thành chuẩn bị triển khai liên thông cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí tham dự.
Tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2015, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và một số địa phương triển khai thí điểm mô hình kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực tế, từ trước năm 2005, ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành Tài chính chưa có cơ chế một cửa liên thông, người sử dụng đất phải nộp 02 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế khi thực hiện thủ tục đăng ký. Tới ngày 18/4/2005, liên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch 30/2005/TTLT-BTC-BTNMT quy định việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất giữa hai cơ quan và chỉ phải nộp 01 bộ. Song việc thực hiện luân chuyển mới chỉ là thủ công, chưa có sự kiểm tra kết nối các thông tin có liên quan tới hồ sơ thửa đất và người nộp thuế nên còn mất nhiều thời gian.
Để khắc phục vấn đề này, ngày 20/3/2015, Bộ Tài Chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chỉ đạo trao đổi thông tin giữa hai cơ quan thuế và cơ quan quản lý đất đai. Hai Bộ đã giao Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Thuế phối hợp thực hiện thí điểm mô hình này trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố.
Theo đó, hai cơ quan đã thí điểm việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử với các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình giữa các Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tăng sự hài lòng đối với người dân; tiết kiệm chi phí và nhân lực xử lý hồ sơ; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai và các khoản thu liên quan đến đất; từ đó, tạo tiền đề cho việc xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Hai Bộ đã ban hành Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất; xây dựng và triển khai các ứng dụng nghiệp vụ quản lý của mỗi bên và ứng dụng kết nối trao đổi thông tin.
Qua 3 năm thực hiện đã cho thấy nhiều kết quả khả quan tại các địa phương. Một số tỉnh đã hoàn thành việc triển khai trên toàn địa bàn với tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức trao đổi thông tin điện tử liên thông cao như: 9/9 quận, huyện của tỉnh Bình Dương thực hiện với tổng số hồ sơ trao đổi điện tử là 65,3% và 82,95% trong số đó được trả kết quả điện tử (do một số hồ sơ có tính phức tạp nên được tiếp nhận bằng phương thức điện tử nhưng trả kết quả bằng giấy); 7/8 quận huyện của thành phố Đà Nẵng thực hiện với tổng số hồ sơ trao đổi điện tử là 58,61% và 98,40% được trả kết quả điện tử; 9/9 quận, huyện của tỉnh Trà Vinh thực hiện với tổng số hồ sơ điện tử là 74,43% và 99,95% trong số đó trả kết quả điện tử…
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đề nghị được hỗ trợ triển khai mô hình liên thông điện tử giữa 2 cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai như: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Đắk Lắk, Tiền Giang, Phú Yên…
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận như thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày; thay đổi căn bản quy trình, nghiệp vụ trao đổi thông tin khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa 2 cơ quan; nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người sử dụng đất; tạo thuận lợi cho cán bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính đất đai; tạo sự công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính…
Có thể thấy rằng, công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế đã tạo tiền đề tốt cho sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân; tạo những đột phá về cải cách hành chính, tác động lan tỏa, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực khác. Đây là những tiền đề quan trọng để hai ngành tiếp tục hợp tác, phối hợp trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng mô hình cơ quan nhà nước phục vụ, kiến tạo, hành động.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng còn một số vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa 2 cơ quan về một số quy định và thủ tục hồ sơ; về đầu mối kết nối trao đổi thông tin của cơ quan đăng lý đất đai và cơ quan thuế; về ứng dụng nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng; về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; cơ sở dữ liệu; tài chính…
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các tham luận của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Trung tâm Dữ liệu và thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) báo cáo tổng kết giai đoạn thực hiện thí điểm và đề xuất các định hướng, giải pháp triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời nghe tham luận của Cục Thuế và Cơ quan đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Long, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thí điểm.
Nhìn chung các địa phương đều đánh giá cao hiệu quả thiết thực của mô hình triển khai thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai và mong muốn được nhân rộng trên toàn quốc. Các địa phương cũng kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình như nâng cấp hệ thống phần mềm liên thông, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan,…
Xây dựng một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, sẵn sàng kết nối và chia sẻ thông tin với các cấp, các ngành
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, việc kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
“Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, công tác đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai ngày một hiệu quả, bước đầu đã kết nối và chia sẻ thông tin với ngành thuế, góp phần quản lý đất đai tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Thứ trưởng khẳng định, để đảm bảo đạt được mục tiêu: giảm thời gian Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản xuống còn 20 ngày; bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nhằm xây dựng một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, sẵn sàng kết nối và chia sẻ thông tin với các cấp, các ngành, đặc biệt là phục vụ ngành thuế trong việc thu ngân sách Nhà nước; đủ năng lực để cung cấp tốt nhất dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân; góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách các thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm và các bài học kinh nghiệm, các đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Thuế phối hợp xây dựng báo cáo tổng kết thí điểm và triển khai mở rộng kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần làm rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất để triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước. Những kiến nghị, đề xuất tập trung vào cơ chế chính sách như: Nghiên cứu giảm các thủ tục hành chính; kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và kho bạc nhà nước để làm sao giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất đầu tư về nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng mô hình trong thời gian tới.
Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định về liên thông, kết nối điện tử trong thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai (kể cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân). Hai Tổng cục chủ động sửa đổi quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý đất đai và cơ quan thuế để đảm bảo các thủ tục hành chính ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và cải cách theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, cắt giảm chi phí, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình trao đổi thông tin.
Các đại biểu tham quan mô hình kết nối liên thông điện tử
Thứ trưởng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tế địa phương, xây dựng và ban hành quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016; quan tâm đầu tư trụ sở làm việc và kho lưu trữ tài liệu cho Văn phòng đăng ký đất đai; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong thực hiện thủ tục hành chính; ban hành thống nhất và niêm yết rõ ràng tại các cơ quan tiếp nhận hồ sơ về danh mục giấy tờ chứng minh của các trường hợp miễn giảm nghĩa vụ tài chính, quy định cụ thể thời gian thực hiện xác định các khoản giảm trừ.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị, chữ ký số, đường truyền, cài đặt, đào tạo vận hành phần mềm liên thông thuế và bảo trì khắc phục các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình triển khai kết nối trao đổi thông tin theo hình thức điện tử, kịp thời báo cáo và đưa ra giải pháp hỗ trợ các cơ quan trực tiếp triển khai tránh tình trạng các vướng mắc, khó khăn, tồn tại kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai.
Sau Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cùng các đại biểu đã tham quan và nghe giới thiệu về mô hình kết nối liên thông điện tử tại Trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế.
Theo monre.gov.vn