Phân loại rác tại nguồn: thực trạng triển khai ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước và đề xuất biện pháp thực hiện tại Hà Tĩnh
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng làm gia tăng khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. Theo đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện đang là bài toán khó cho nhiều địa phương trên cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Mỗi tỉnh đã có những cách làm và giải pháp triển khai khác nhau, tuy nhiên, trong cách làm của các tỉnh đều có điểm chung là triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, nhằm nâng cao ý thức người dân về phân loại rác, góp phần giảm thiểu lượng rác đưa đi xử lý và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong đời sống người dân. Đặc biệt phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
1.Triển khai ở một số tỉnh thành trên cả nước
1.1. Tại các tỉnh phía Bắc
- Tại tỉnh Hưng Yên : Để bảo vệ môi trường sống tại địa phương, tỉnh Hưng Yên đã xây mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mô hình này đem lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân đã có ý thức tốt hơn trong bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng. Đối với hiệu quả mô hình đưa lại phải nói đến vai trò tích cực của các thành viên Ban công tác mặt trận các thôn xóm, người thì tuyên truyền vận động, người thì lập kế hoạch dự toán nguyên vật liệu, người phụ trách phần việc đăng ký các hộ xây bể và nhận thùng. Khi thực hiện các mô hình điểm về khu dân cư (KDC) bảo vệ môi trường, mặt trận tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào tiêu chí bình xét các danh hiệu “KDC văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Tại nhiều KDC, nhân dân đồng thuận xây dựng các tiêu chí cụ thể về xây dựng môi trường và đưa vào quy ước, hương ước của thôn. Các mô hình KDC tự quản bảo vệ môi trường; mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình cùng với các phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” được duy trì thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, nhân dân trong các KDC đã cùng nhau chia sẻ, thực hiện tốt phương châm “đồng xanh, nhà sạch, làng xóm thanh bình, nếp sống văn minh, cộng đồng đoàn kết, thân thiện”. Kết quả được nhân dân ghi nhận và đem đến giá trị tinh thần về môi trường cho người dân, theo đó “Toàn khu dân cư không còn rác thải bừa bãi. Môi trường thật sự xanh – sạch – đẹp, không còn cảnh những đống rác gây ô nhiễm nặng nề, nhận thức của người dân về phân loại rác thải đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thông qua mô hình, địa phương đã xây dựng và củng cố ý thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Mỗi người cũng dần nhận ra rằng “Mình vì mọi người và mọi người sẽ vì mình” để tạo ra những lợi ích tốt đẹp của cộng đồng dân cư”.
- Tại tỉnh Nam Định : Mô hình "phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" được Hội nông dân (HND) tỉnh triển khai xây dựng tại xóm B, xã Hải Lý từ tháng 5-2018 với sự hỗ trợ của Trung ương HND Việt Nam. Mô hình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; trang bị cho nông dân các kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Từ mô hình điểm, đến nay hoạt động này đã được nhân rộng ra 18 xóm trong toàn xã. Theo đó, khi triển khai mô hình việc đầu tiên là việc tổ chức tập huấn kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, CTR và nâng cao nhận thức kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng câu lạc bộ nông dân tự quản về môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt của chi hội; xây dựng kế hoạch hưởng ứng các sự kiện môi trường, phát động phong trào thi đua “sạch từ nhà ra ngõ và sạch từ ngõ vào nhà, ăn sạch, uống sạch và ở sạch”; tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư tích cực giữ vệ sinh môi trường nông thôn, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hằng tuần, vận động người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trước khi tiến hành thu gom. Thông qua xây dựng mô hình điểm đã giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, nhất là môi trường nông thôn rèn luyện kỹ năng hành động ứng xử với môi trường thân thiện hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, sạch đẹp.
1.2. Tại các tỉnh phía Nam
- Tại thành phố Hồ Chí Minh : Tổ chức đồng bộ phân loại rác tại nguồn. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố. Về phương thức phân loại: rác thải sinh hoạt được chia thành ba loại, đó là CTR hữu cơ (chất thải dễ phân hủy như thức ăn thừa, xác động vật… được bỏ vào bao bì có dán nhãn nhận biết hoặc bao bì màu xanh, màu trắng, chứa trong thùng rác màu xanh và được chuyển đi xử lý thành phân bón hữu cơ); thứ hai là vỏ giấy kẹo, bánh, đồ gốm, đồ thủy tinh, quần áo cũ… được để vào bao bì có dán nhãn hoặc bao bì màu đen, chứa trong thùng rác màu xám và xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt phát điện; thứ ba là chất thải tái chế gồm giấy báo, tạp chí, thùng các-tông, sắt thép, săm lốp…, người dân có thể bán, tặng cho đơn vị thu gom. Bên cạnh đó, thành phố ban hành chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các gia đình, chủ nguồn thải sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTR sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTR sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Cùng với đó, đơn vị thu gom CTR sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, nhất là thiết bị và phương tiện không đồng bộ, cho nên nhiều đơn vị sau khi thu gom đã đổ chung các loại rác thải với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa. Hiệu quả mô hình không đáp ứng và cũng không duy trì được lâu dài. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị dịch vụ công ích phải chuyển đổi phương tiện phù hợp nhằm bảo đảm quá trình phân loại rác tại nguồn cũng như thu gom, vận chuyển và hỗ trợ đầu tư phương tiện hay kéo dài lộ trình thực hiện thì quy trình thu gom rác mới có thể bảo đảm đồng bộ. Đồng thời, phát huy vai trò tham gia tuyên truyền của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh sâu rộng đến từng hộ dân thì công tác phân loại rác tại nguồn đi vào thực tế đời sống. Hơn nữa, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được các cấp, các ngành của thành phố thực hiện liên tục, xuyên suốt và lâu dài. Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi phải được tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị tham gia, từ hoạt động phân loại ở hộ gia đình, đến thu gom, tập kết, vận chuyển và cuối cùng là công nghệ xử lý để tái sử dụng, tái chế.
- Tại tỉnh Bình Dương : đã triển khai phân loại rác từ năm 2017, ngay từ đầu tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, làm cơ sở để kiện toàn hệ thống quản lý chất thải, từng bước nhân rộng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, nếp nghĩ của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, kế hoạch thí điểm phân loại rác thải tại nguồn sẽ tập trung vào các tổ chức trung tâm thương mại, siêu thị; khu vực cơ quan hành chính, khối văn phòng; trường học, trung tâm y tế, bệnh viện; khách sạn, nhà nghỉ; cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hộ dân có phát sinh CTR. Nội dung chính yếu trong quá trình thực hiện kế hoạch là xây dựng nội dung hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, gồm 1 sổ tay, tờ bướm, nhãn và áp phích, phim video clip, bản tin, tiểu phẩm và in ấn tài liệu có liên quan… và giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch, tổ chức giám sát hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của các tổ chức. Các địa phương; các xí nghiệp, công ty có trách nhiệm thông báo thời gian thu gom, vận chuyển cho các hộ dân trong khu vực thí điểm; đôn đốc các hộ dân thực hiện phân loại theo đúng quy định. Quá trình triển khai đến nay, Bình Dương đã có nhiều cách làm hay như trang bị, trao tặng sọt rác, cuộn túi nylon cho người dân, thu gom rác đúng nơi quy định, và nhất là tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nên được người dân, doanh nghiệp… đồng thuận tham gia vì một đô thị xanh - sạch - đẹp.
- Tại tỉnh Đồng Nai : UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể “Phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; Theo đó, Sở TN&MT phối hợp Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cùng chính quyền địa phương cấp huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện thì định kỳ hằng năm, Sở còn tổ chức “Ngày hội tái chế chất thải”. Qua đó, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân biết về cách thức phân loại, lưu giữ an toàn tại nguồn thải và chuyển giao chất thải cho đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại xử lý. Kết quả đạt được tương đối khả quan, làm cho nhận thức của người dân địa phương về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn tại các khu vực thí điểm đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về lợi ích của việc phân loại rác sinh hoạt và thải bỏ chất thải đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện còn những khó khăn một phần là do Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp với đa ngành nghề, là một nơi thu hút dân cư thuộc độ tuổi lao động từ các tỉnh thành trong cả nước đến để sinh sống và lao động đã gây áp lực về dân số và hạ tầng kỹ thuật môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng trình độ dân trí và mật độ dân cư phân bố không đồng đều dẫn đến công tác tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn chưa thật sự hiệu quả. Theo đó, tỉnh tiếp tục mở rộng đối tượng thực hiện, gồm: khu cơ quan hành chính, bệnh viện, trung tâm y tế, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông về thu gom CTR, bảo vệ môi trường cũng như công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đến người dân tại địa bàn đã triển khai thí điểm thông qua các phương tiện truyền thông báo, đài truyền hình, cổng thông tin điện tử …; thực hiện tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải phát sinh. Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thu gom, xử lý chất thải đầu tư phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, giám sát, khen thưởng trong việc thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; nghiên cứu, tìm hiểu các địa phương thực hiện tốt việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn để tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phân loại CTR tại nguồn, thông qua đó tham mưu tỉnh thực hiện trong giai đoạn tiếp theo cho toàn tỉnh.
1.3. Tại các tỉnh miền Trung
- Thành phố Đà Nẵng : Từ cuối năm 2018, thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình phân loại rác thí điểm nhằm mục đích tăng thu hồi rác thải tái chế có giá trị trong CTR sinh hoạt (rác tài nguyên) từ các nguồn rác thải tại vùng thực hiện thí điểm, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp tại bãi rác; Từng bước xây dựng nét văn hóa trong nhân dân thông qua phân rác tại nguồn và đạt mục tiêu thành phố môi trường. Theo đó, các hộ gia đình tại địa phương sẽ được hướng dẫn phân loại và sẽ được cung cấp bao phân loại rác tài nguyên (loại bao sử dụng cho nhiều lần) để tập kết, lưu giữ tại nhà. Khu dân cư hoặc tổ dân phố tổ chức đến từng chủ nguồn thải thu gom rác tài nguyên bằng xe đẩy mỗi tuần một lần, sau đó bán cho Xí nghiệp môi trường, rồi bán trực tiếp cho đơn vị thu mua phế liệu trên địa bàn. Quá trình triển khai có thể khẳng định rằng, vai trò cộng đồng, ý thức của người dân sẽ góp vai quan trọng thành công hay không trong công tác phân loại rác tại nguồn. “Dù có đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại đến đâu thì cũng không thể xử lý được vấn đề nếu việc phân loại rác thải ngay tại nguồn không được thực hiện triệt để. Ý thức của người dân là vấn đề mấu chốt”. Từ khi thí điểm đến nay, quận đã bán được rác phế liệu lên hơn 1,2 tỷ đồng và dùng cho quỹ vì người nghèo. Người dân các phường rất ủng hộ phân loại rác tại nguồn”. Đến nay mô hình thí điểm đã thành công và thành phố đang triển khai nhân rộng tại các quận huyện khác. Theo đó, thành phố Đà Nẵng phát động một cuộc "cách mạng" thật sự để phân loại rác tại nguồn. Nghiên cứu thu gom từng loại rác theo ngày”, và thành phố tài trợ mua sắm toàn bộ thùng phân loại rác cho người dân và đầu tư xe cộ, điểm trung chuyển, tập kết đồng bộ để làm cuộc “cách mạng” vì thành phố môi trường. Tại một số khu vực dân cư không còn đất trống để làm điểm tập kết thì thành phố sẽ mua lại nhà, đất của người dân rồi đầu tư thành nơi tập kết để vận chuyển rác. TP. Đà Nẵng dự tính sẽ triển khai đồng loạt việc phân loại rác tại nguồn vào khoảng tháng 5/2019. Với lộ trình đến giai đoạn 2023-2025 thu gom 5 nhóm rác có thể tái chế. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, mà bắt đầu từ mỗi người dân. Cần chấn chỉnh quyết liệt về vấn đề thu gom, xử lý CTR. Người dân cũng cần phải hiểu rằng, tất cả phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, “cuộc cách mạng thu gom, xử lý rác thải, bắt đầu từ người dân”.
Thùng phân loại rác tái chế bố trí tại một số điểm thành phố Đà Nẵng
- Tại tỉnh Nghệ An : Mô hình phân loại rác được Hội liên hiệp phụ nữ phát động, triển khai rộng rãi tại một số huyện thị thành phố như thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Yên Thành,… kết hợp với triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương. Theo đó, nhiều tổ thu gom rác được thành lập, nhiều hố rác/bể chứa rác mới được xây dựng và sau thời gian triển khai mô hình thí điểm cho thấy hiệu quả, đó là ý thức người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được nâng lên, tình trạng người dân đổ rác tràn lan ra đường đã giảm đáng kể, không khí không còn bị ô nhiễm do mùi hôi thối do chất thải là thức ăn thừa bị ôi thiu bốc mùi, đường làng ngõ xóm đã sạch sẽ hơn trước, ngoài ra các chất thải hữu cơ còn được xử lý làm phân bón cho cây trồng. Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức người dân trong phân loại và xử lý rác thải, Hội liên hiệp phụ nữ các huyện trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn nhân dân đồng thời tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được vai trò quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình. Từ đó có những hành động thiết thực thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn nhằm góp phần giải quyết tình trạng rác thải nông thôn ngày càng gia tăng như hiện nay.
2. Thực trạng triển khai tại Hà Tĩnh
Nhằm hướng tới nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí Môi trường tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thành xã nông thôn mới nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo hướng dẫn của trung ương tại văn bản số Văn bản số 1345/BNN-VPĐP ngày 08/02/2018 và Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2020, trong đó, có chính sách hỗ trợ phân loại rác tại các hộ gia đình thực hiện tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh; Theo đó, để thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn từ cuối năm 2018 đến nay, Sở đã tổ chức 20 cuộc tập huấn cho các địa phương về phương thức phân loại rác, các nội dung và biện pháp thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới; các đối tượng tham gia một số hộ dân, đoàn thể cấp thôn và chính quyền, đoàn thể cấp xã; thu hút được hàng nghìn người tham gia
Một số hình ảnh về tập huấn phân loại rác do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các huyện tổ chức thực hiện
Từ cuối năm 2018 đến nay, một số huyện, thị (Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà,…) cũng đã lựa chọn một số thôn để triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, đã tổ chức tập huấn tập huấn, hướng dẫn hộ dân xử lý rác hữu cơ bằng biện pháp ủ phân tạo phân vi sinh và phát động toàn dân thực hiện.
Phòng TN&MT huyện Thạch Hà tập huấn và hướng dẫn hộ dân xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Từ khâu triển khai tập huấn đến nay nhiều xã triển khai thực hiện phân loại rác đến các hộ gia đình; theo đó, các hộ dân ở một số thôn, nhất là thôn mẫu (tại các xã như Thạch Điền, Bắc Sơn, Thạch Tiến, Thạch Lưu,…) đã bố trí 2 thùng (giỏ) đựng rác để lưu trữ rác phân hủy (rác hữu cơ) và rác không phân hủy (rác vô cơ)
Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 của huyện Thạch Hà đã triển khai phân loại rác tại hộ gia đình
Mặc dù, Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nội dung trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ xe vận chuyển rác, xe đẩy tay, chế phẩm sinh học,….). Tuy nhiên, đối với nội dung phân loại rác thì đến đầu năm 2019 các đơn vị thuộc đối tượng chính sách (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh) mới bước đầu triển khai tập huấn còn các nội dung còn lại chưa thực hiện được và tiến độ triển khai còn chậm. Đối với các địa phương (không thuộc đối tượng chính sách) mặc dù đã triển khai song còn mang tính chất nhỏ lẻ, dừng lại ở khâu mô hình thí điểm, rải rác ở một vài thôn mà chưa triển khai đồng loạt, việc duy trì lâu dài còn nhiều hạn chế. Theo đó, cũng chưa đánh giá được hiệu quả của mô hình phân loại rác tại nguồn. Hiện nay vấn đề lượng rác sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực cho môi trường đối với việc vận chuyển, xử lý và kinh phí thực hiện. Nghiêm trọng hơn là vấn đề bức xúc, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra vẫn chưa giải quyết được.
Thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (xã đăng ký đạt chuẩn ntm năm 2019) triển khai xây hố xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình
3. Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở lý luận, kinh nghiệm từ các tỉnh trên cả nước và nắm bắt tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Tĩnh, đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả phân loại rác tại hộ gia đình, góp phần hướng tới một môi trường xanh sạch đẹp và hạn chế một số vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra, cụ thể như sau:
3.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng
- Người thực hiện: Cấp huyện cũng như cấp xã: là đại diện UBND, các hội, đoàn thể cấp huyện, xã và cấp thôn (trưởng hoặc bí thư thôn). Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn để hướng dẫn nội dung, hình thức tuyên truyền và hướng dẫn các buổi tập huấn.
- Nội dung tuyên truyền: cần tập trung các nội dung như chỉ rõ các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác tái chế, rác khó phân hủy; tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi rác thải chưa được xử lý ra đường làng ngõ xóm, kênh mương tới sức khỏe cộng đồng, cảnh quan, môi trường; Cách thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; các điểm chính về luật Bảo vệ môi trường, các quy định về phân loại và lịch thu gom rác thải, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm của cộng đồng, quy định về phí thu gom rác thải; tài liệu tập huấn về kỹ thuật phân loại rác và các quy trình xử lý rác hữu cơ và chôn lấp hoặc đốt rác còn lại,…
- Về cách thức tuyên truyền: có thể áp dụng các hình thức sau: phổ biến các quy định về quản lý rác thải thường xuyên trên đài phát thanh thường xuyên đến từng thôn, tổ; phát tờ rơi đến các hộ gia đình; tổ chức hội nghị, hội thao, hội thi, tập huấn,…
3.2. Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn và ủ rác hữu cơ ngay tại nhà
Trên cơ sở chính sách theo Nghị quyết số 79//2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, hằng năm các địa phương được nằm trong chính sách cần xây dựng kế hoạch, đề xuất để được hỗ trợ. Quá trình triển khai cần phát huy vai trò người đứng đầu, theo đó cần thành lập các tiểu ban chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện. Ví dụ, cấp huyện thành lập tiểu ban hoạt động, chỉ đạo theo từng xã, hoặc cụm xã. Trong đó, người đứng đầu phải là lãnh đạo của phòng ban, đoàn thể và các thành viên tiểu ban là các đoàn thể phối hợp với phòng ban chuyên môn để cùng triển khai thực hiện, ví dụ: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phát động tuyên truyền vận động, phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, chuyên môn,… để cùng nhau phối hợp triển khai tại các xã, thôn. Vì hiện nay trong gia đình người phụ nữ đa phần đóng vai trò chính về nội trợ và vệ sinh gia đình. Quá trình triển khai thực hiện phải có sự đánh giá, bình xét các tổ để tuyên dương hoặc phê bình, nhằm nâng cao ý thức lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả. Đồng thời rút ra những kinh nghiệm, bài học và hạn chế để nhân rộng các thôn, xã khác.
Đối với các địa phương không được hưởng theo chính sách Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, chính sách để triển khai thực hiện. Ngoài việc thành lập các tiểu ban chỉ đạo triển khai cần có sự lựa chọn một số điểm là mô hình thí điểm để dần dần nhân rộng cho các địa phương học tập, triển khai. Việc lựa chọn thôn, xã kết hợp với địa phương chọn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để làm mô hình “kiểu mẫu” trong thực hiện phấn đấu đạt chuẩn và nâng chuẩn tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Về cách thức triển khai thực hiện: Chính quyền các cấp: Trước tiên cần thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, thôn xóm, gọi là “bắt tay chỉ việc”, cùng đồng hành với người dân trong việc thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình. Theo đó, tùy từng địa phương có thể giao cho tổ chức đoàn thể là Ban công tác mặt trận xã, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên xã để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo người dân thực hiện; Theo kinh nghiệm học hỏi từ các tỉnh như trên thấy rằng, hầu hết nhiều tỉnh thường huy động lực lượng từ Hội liên hiệp phụ nữ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cần phải có lực lượng chuyên môn hỗ trợ về mặt kỹ thuật để cùng phối hợp triển khai hiệu quả. Ngoài việc hướng dẫn cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cũng như duy trì hoạt động phân loại rác tại hộ gia đình để đem lại hiệu quả thiết thực. Quá trình triển khai ngoài việc hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật thực hiện nên ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trang thiết bị phân loại rác như thùng hoặc giỏ đựng rác, nguyên vật liệu xây dựng hố ủ phân, xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình; theo đó, chính quyền cần phải xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể cho việc triển khai phân loại rác cho từng thôn; trong phương án cần vạch ra các nội dung, hạng mục, kinh phí để hỗ trợ và kinh phí huy động từ người dân để cùng thống nhất, bàn bạc triển khai tại các thôn trên địa bàn xã. Phát huy vai trò thành viên chỉ đạo triển khai thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, ngoài việc các cá nhân phụ trách chỉ đạo thực hiện gương mẫu ngay tại hộ gia đình mình, cần phải bám sát cơ sở, thôn mình chỉ đạo, nắm vững kiến thức về phân loại rác, về chính sách tại địa phương để phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện. Ngoài ra, chính quyền các cấp (xã, huyện, tỉnh) quan tâm và triển khai bố trí đồng bộ phương tiện thu gom, xử lý rác sau phân loại. Bởi đây là khâu quan trọng quyết định thành công của việc phân loại rác tại nguồn; và đã có nhiều tỉnh, thành phố triển khai phân loại rác tại hộ gia đình được đánh giá là thành công (đó là bài học từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…) nhưng phương tiện thu gom, xử lý không đồng bộ (không có phương tiện thu gom rác hữu cơ, vô cơ riêng biệt nên thu gom chung và rác thải hữu cơ, vô cơ vận chuyển chung với nhau) dẫn đến việc phân loại trở nên vô ích, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đối với tại hộ gia đình: Trong quá trình triển khai, việc phân loại rác tại nguồn thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức và nhận thức cũng như hành động của người dân. Theo đó, người dân cần tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, thực hành và triển khai về phân loại rác tại hộ gia đình. Cần nêu cao ý thức trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường nói chung và triển khai phân loại rác nói riêng. Khi triển khai thực hiện cần bố trí các thùng đựng, khu vực xử lý rác hữu cơ theo hướng dẫn và phù hợp thực tế tại gia đình. Ngoài ra, quan trọng nhất hộ gia đình phải “siêng”, thực hiện thường xuyên và duy trì được lâu dài, tạo ra được sản phẩm như mong muốn để có động lực thực hiện. Do đó, quan trọng nhất là ý thức của từng người trong gia đình, đồng thuận để cùng triển khai thực hiện. Theo đó, cùng phát huy vai trò gia đình gương mẫu, vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới cùng với phân loại rác tại hộ gia đình đạt hiệu quả cao.
3.3. Phát huy vai trò của HTX môi trường hoặc tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn
Tổ chức thu gom trang bị các phương tiện thu gom (xe thô sơ hoặc xe tải) và quy định thời điểm thu gom theo từng thôn, xã. Từng hộ gia đình thu gom rác thải phân loại từ gia đình mình và được HTX hoặc tổ đội thu gom định kỳ hằng ngày hoặc 1 tuần 1 lần. Về mức phí thu gom thực hiện theo đơn giá dịch vụ của cấp huyện ban hành không vượt so với mức giá theo quy định tại Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh. Đối với lượng rác vô cơ sau khi thu gom từ hộ dân, đơn vị thu gom có thể phân loại, tái sử dụng hoặc tách lọc một số loại rác (túi ni lông, bìa cattong,..) để bán cho phế liệu, phần còn lại đưa đến cơ sở xử lý. Đối với các địa phương, tại hộ gia đình không bố trí được đất để xây hố ủ phân thì thực hiện phân loại và HTX, tổ đội vệ sinh môi trường bố trí thêm xe thu gom, vận chuyển rác hữu cơ đến nhà máy chế biến phân vi sinh. Theo đó nhằm giảm thiểu được lượng rác phát thải ra môi trường, đồng thời rác thải được thu gom, xử lý, tiêu thụ mà không đòi hỏi kỹ thuật cao, sự đầu tư kinh phí quá lớn từ ngân sách nhà nước mà có thể tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường (phân vi sinh) từ rác và quan trọng là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề bức xúc do rác thải gây ra, làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Trần Thị Thành - Chi cục Bảo vệ môi trường