Đảng Cộng sản Việt Nam - Kết tinh của lịch sử, trọng trách trước lịch sử

08/02/2020
Aa

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (người đang đứng trong ảnh) triệu tập hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Từ đây, nhân dân Việt Nam có một đảng duy nhất lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nguồn: dangcongsan.v

Lịch sử Việt Nam đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 9/1858 khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Nhà nước phong kiến triều Nguyễn và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong gần 40 năm (1858-1895) không đủ sức chống lại sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và thực dân phương Tây.

Việt Nam trở thành thuộc địa và bị chia thành 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ), mất nước, dân ta trở thành nô lệ. Thực dân Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét sức người sức của ném vào chiến tranh ở chính quốc. Xã hội thuộc địa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX chuyển biến sâu sắc và toàn diện. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XXvẫn chưa được giải quyết.

Nhiều nhà yêu nước và cách mạng đã đề ra con đường cứu nước mới nhưng không thể thành công. Trong bối cảnh ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tiếp tục tìm đường cứu nước.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, Đảng ta tròn 15 tuổi. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đảng Cộng sản Việt Nam-kết tinh của lịch sử dân tộc đầu thế kỷ XX

Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường tìm đường cứu nước.

Trên bước đường ấy, “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi” và Người đã đến với với Luận cương Lenin và tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc.

Chủ nghĩa Marx-Lenin trở thành “Cẩm nang thần kỳ”, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đường Kách mệnh đã lựa chọn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin” và Người khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Quá trình truyền bá con đường giải phóng dân tộc về Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, đưa đến sự hình thành những nhân tố cơ bản của con đường cách mạng vô sản Việt Nam. Việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niêndẫn đến sự chuẩn bị về chính trị, tổ chức và đội ngũ cho sự ra đời các tổ chức tiền thân của đảng cộng sản, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng.

Đến năm 1929-1930, phong trào dân tộc theo xu hướng cộng sản hoàn toàn thắng thế, các tổ chức cộng sản phát triển mạnh mẽ. Quốc tế Cộng sản chỉ rõ phải thành lập một đảng cộng sản duy nhất.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất từ ngày 3-7/2/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.Tuy lúc ấy có nhiều đảng phái xuất hiện (Đảng Lập hiến, Việt Nam Lao động đảng, Việt Nam Quốc dân đảng) nhưng chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước mới đáp ứng đúng đòi hỏi khách quan của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đại hội VI của Đảng (năm 1986)-Đại hội của công cuộc Đổi mới. Nguồn ảnh: VOV

Trọng trách trước lịch sử dân tộc, thực hiện sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc

Trong 15 năm đầu tiên sau khi ra đời (1930-1945), trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa, Đảng đảm đương vai trò tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong 30 năm đầu tiên trở thành đảng cầm quyền (1945-1975), Đảng nêu cao ý chí quyết tâm cho toàn dân tộc “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” tổ chức lãnh đạo kháng chiến toàn dân toàn diện trường kỳ, phá thế cô lập của đất nước, làm nên trận thắng “chấn động địa cầu” (1946-1954). Khi đất nước bị chia cắt, Đảng lãnh đạo đấu tranh thống nhất nước nhà, kháng chiến vì độc lập tự do vì CNXH, thực hiện giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc (1955-1975).

Trong 10 năm đầu nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1976-1986), trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tìm tòi con đường thích hợp cả nước đi lên CNXH, Đảng lãnh đạo cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn, chống đỡ khủng hoảng kinh tế-xã hội, đề ra đường lối Đổi mới.

Trong hơn 30 năm Đổi mới (1986-2020), Đảng tổ chức lãnh đạo thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ, thực hiện công nghiệp hóa và từng bước hiện đại; Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trải qua 90 năm, Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đoàn kết toàn dân tộc; tạo dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp; thực hiện lấy dân làm gốc; xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đảng cũng xác định mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lấy khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo làmquốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước.Đảng là lực lượng duy nhất chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nướcthuộc về nhân dân.Vì vậy, vai trò lãnh đạo và trọng trách của Đảng tất yếu được đưa vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của quốc gia, ghi nhận địa vị pháp lý của đảng cầm quyền và được pháp luật bảo vệ.

Thế giới từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay chuyển biến nhanh chóng và ngày càng khó lường, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở đi, một số Đảng cộng sản cầm quyền làm mất vị trí vai trò lãnh đạo trong nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, Việt Nam từ khi có tên trên bản đồ thế giới (cũng là khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền) đến nay, đã trở thành quốc gia có nhiều đóng góp lớn vào thế giới hiện đại và toàn cầu hóa.

Theo đó, Việt Nam đã đóng góp cho phong trào giải phóng dân tộc bằng kinh nghiệm và bài học về đại đoàn kết dân tộc, xây dựng sức mạnh quốc gia dân tộc chống áp bức dân tộc, về đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Đóng góp sớm và liên tục nhiều giải pháp thiết thực cho những vấn đề toàn cầu về chống giặc đói, giặc dốt, về môi trường, sinh thái, lương thực, an sinh xã hội.

Đóng góp trong vận dụng sáng tạo học thuyết Mác Lê-nin về cách mạng vô sản và đảng cầm quyền, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Đóng góp trong kiên trì giữ vững đường lối độc lập tự chủ, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa; không ngừng nâng cao vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, giữ vững bản sắc dân tộc trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Đóng góp tích cực và chủ động trong tham gia nhiều tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc và các diễn đàn toàn cầu hay châu lục, khu vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, về quyền con người; tham gia nhiều công việc của cộng đồng quốc tế về giữ gìn hòa bình, giải quyết hòa bình các mâu thuẫn và xung đột quốc tế…

Đại hội XII của Đảng-tổ chức sau 30 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện công cuộc Đổi mới kể từ Đại hội VI (tháng 12/1986). Những quyết sách tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là phương hướng phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Ảnh: VGP

Lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử không ngừng phấn đấu trưởng thành, sẵn sàng hy sinh tất cả vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của nhân dân. Đó cũng là lịch sử nhân dân đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn



Ý kiến bạn đọc