Tăng cường xây dựng văn hoá công sở tại Sở Tài nguyên và Môi trường
Theo quan điểm chung nhất, được nhiều tài liệu nghiên cứu ghi nhận, thì văn hóa công sở là các giá trị có tính chuẩn mực chung, làm nền tảng cho sự gắn kết giữa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao; bao gồm hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần phản ánh sự đúng đắn, tính nhân văn, nét đẹp và niềm tin được hình thành trong quá trình hoạt động, phát triển của công sở, được mọi người tuân thủ, tự giác thực hiện vì mục tiêu chung. Thực hiện văn hoá công sở chính là một phần của yêu cầu cải cách hành chính. Để đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cần có phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn có ý thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó, tại các công sở, đặc biệt là những nơi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân, cán bộ, công chức cần nghiêm chỉnh tuân theo các quy định cụ thể thực hiện văn hóa công sở, đặc biệt cần tuân thủ tốt quy định về phong cách phục vụ nhân dân, ứng xử với nhân dân một cách có văn hóa, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh nơi công sở.
Với ý nghĩa đó, văn hóa công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hóa của họ. Xây dựng văn hóa công sở thực chất là xây dựng con người lao động mới: văn minh, chuyên nghiệp – yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở.
Nhận thức được điều đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng, đoàn thể, trong đó đã lồng ghép ban hành tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lãnh đạo Sở thường xuyên mời báo cáo viên thuộc Đảng uỷ khối về giảng dạy các nội dung liên quan đến xây dựng và thực hiện văn hoá công sở, kết hợp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cuộc họp giao ban, chào cờ hàng tháng. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo khá quyết liệt, hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp được cải tiến theo hướng ngày càng hiện đại, thuận tiện, hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên; công tác quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức thực hiện hàng năm đúng quy định. Cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trang phục sạch đẹp, gọn gàng; về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân được đánh giá cao. Môi trường công sở xanh, sạch, đẹp, các phòng làm việc được bố trí, sắp xếp hợp lý, hài hoà.
Tuy nhiên, việc xây dựng văn hoá công sở tại cơ quan, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về xây dựng văn hóa công sở chưa đầy đủ, chưa thấy rõ mối liên hệ giữa văn hóa công sở với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính và yêu cầu cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phương thức, lề lối làm việc còn thiếu khoa học; hiệu quả xử lý, giải quyết công việc sau các cuộc họp còn hạn chế. Việc bố trí, sử dụng, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ ở một số phòng, đơn vị vẫn chưa phù hợp với năng lực thực sự của cán bộ; việc quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn thiếu chặt chẽ, toàn diện (vẫn còn tình trạng một số đảng viên, công chức, viên chức đi muộn, về sớm, trốn giờ làm việc riêng, không đeo thẻ công chức, hút thuốc lá trong phạm vi cơ quan …; một số cán bộ, công chức trong giao tiếp, xử lý công việc với doanh nghiệp, người dân còn nóng nảy, thiếu niềm nở, mềm mỏng). Việc bài trí tại một số phòng, đơn vị còn lộn xộn, hồ sơ thiếu ngăn nắp; vệ sinh môi trường cơ quan chưa sạch đẹp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp mặc dù đã được quan tâm, đẩy mạnh nhưng chất lượng vẫn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu là do văn hoá công sở của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức còn hạn chế, đặt cái “tôi” cá nhân cao hơn lợi ích của tập thể. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, truyền thông văn hóa đến từng đảng viên, cán bộ, công chức chưa hiệu quả. Các chế tài khen thưởng, xử phạt liên quan đến thực hiện văn hoá công sở chưa rõ ràng, chưa có tác dụng thúc đẩy việc nghiêm túc thực hiện các quy định về văn hoá công sở.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Tĩnh nói chung, xây dựng văn hoá công sở nói riêng, trước mắt, cần tập trung xây dựng ý thức trách nhiệm và phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, giải quyết công việc với người dân, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với bộ máy cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cụ thể, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Thường xuyên tuyên truyền về văn hóa công sở nhằm nâng cao nhận thức của các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc thực hiện văn hóa công sở trong môi trường làm việc hiện nay; đưa nội dung xây dựng văn hóa công sở vào sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, chi bộ và chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể. Hằng năm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên cam kết thực hiện Quy chế văn hóa công sở của đơn vị; đưa nội dung đánh giá, nhận xét việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở vào sinh hoạt chi bộ và chào cờ hàng tháng.
- Cấp ủy, lãnh đạo Sở và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao trình độ lý luận; chú trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thái độ giao tiếp, ứng xử của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở, mời báo cáo viên về tập huấn cho toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan về kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở. Thái độ ứng xử của công chức với doanh nghiệp, người dân luôn đảm bảo quy định về “4 xin” và “4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp).
- Tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, lựa chọn cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận Hành chính công tỉnh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp; cải tiến nội dung, hình thức hội họp theo hướng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực cán bộ, công chức; quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo động lực làm việc và tạo môi trường về ứng xử văn hóa trong cơ quan. Đầu tư cở sở vật chất, trang bị đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan và điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự gắn bó giữa người lao động với cơ quan, đơn vị.
- Bố trí “Hộp thư góp ý” tại công sở và trên trang thông tin điện tử của Sở; khuyến khích sự tham gia giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện; lấy kết quả xây dựng văn hóa công sở làm một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức, cá nhân hàng năm.
Đảng viên: Trần Thị Thanh - Chi bộ Văn phòng - Thanh Tra