Thực thi quy định những điều đảng viên không được làm

05/01/2024
Aa

Gần bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Đảng ta xác định bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn còn tồn tại và ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, nguy cơ nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là thách thức mang tính nội sinh, chủ quan từ phía Đảng mà cụ thể là cán bộ, đảng viên. Những vụ việc sai phạm thời gian qua được đưa ra ánh sáng như lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, vi phạm nghiêm trọng những điều cán bộ, đảng viên không được làm. Những sai phạm đó không chỉ ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Đảng mà còn gây mất lòng tin của Nhân dân, tạo ra kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam, khiến một bộ phận đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, nguy cơ phá hỏng thành trì vững chắc giữa Đảng với dân, gây mất ổn định chính trị nội bộ hòng “diễn biến hoà bình” và lật đổ chế độ XHCN của nước ta. Đứng trước những nguy cơ hiện hữu đó, hiện nay Đảng ta đã, đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, việc sửa đổi và chỉ đạo thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm là giải pháp quan trọng nhằm chỉnh đốn nội bộ, làm trong sạch bộ máy, để đảng viên không vi phạm vào nguyên tắc, phản bội lại lời thề trước cờ Đảng quang vinh.

Ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm. Kế thừa 19 điều của Quy định số 47, Quy định 37 vẫn gồm 19 điều, đã đưa được những nội dung cốt lõi nhất trong vấn đề tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng và của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, Quy định đã cập nhật đầy đủ trọn vẹn tinh thần của các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khoá XII và Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương (khóa XIII) “ Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” . Trong đó, có những nội dung mới, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn hiện nay, như bổ sung nội dung đảng viên không được làm: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định,...

Minh chứng hùng hồn nhất cho quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trước hết, chúng ta phải xác định việc Đảng ban hành các quy định để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là việc làm thường xuyên, liên tục và mang tính kế thừa. Quy định 37 bổ sung, thay thế Quy định 47 đảm bảo tính thực tiễn, khách quan, toàn diện và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

Tuy nhiên, cùng với những thành quả đạt được, vẫn còn có những mặt hạn chế, vướng mắc. Biểu hiện dễ dàng nhận thấy nhất hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên “không nhỏ”. Những sai phạm đó hoàn toàn không phải lỗi của thể chế chính trị hay là lỗ thủng chế độ như các thế lực phản động rêu rao, mà đó là những khiếm khuyết trong quá trình tồn tại và phát triển của chế độ mà Đảng ta, Nhân dân ta đã nhìn nhận rõ hạn chế, nguyên nhân và có các giải pháp để xử lý; phù hợp với nguyên lý về phát triển mà Chủ nghĩa Mác - Lê nin đã chỉ ra là xem xét sự vật, hiện tượng khách quan phải luôn đặt chúng vào quá trình luôn luôn vận động và phát triển.

Thành tựu của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là minh chứng hùng hồn nhất, đập tan luận điệu xuyên tạc việc Đảng ban hành Quy định 37 thay thế Quy định 47 là đang cố “vá những lỗ thủng quá nhiều của chế độ”. Vụ việc Việt Á, chuyến bay giải cứu, những sai phạm trên lĩnh vực đất đai, đến hệ thống các Trung tâm Đăng kiểm… lần lượt được đưa ra ánh sáng, một bộ phận cán bộ, đảng viên “không nhỏ” bị kỷ luật, chịu sự trừng phạt của pháp luật là minh chứng hùng hồn nhất cho quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.... nhằm “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

“Đảng viên đi trước làng nước theo sau”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”. Nền tảng tư tưởng gốc mà bất kỳ đảng viên nào cũng phải xác định cho mình làm kim chỉ nam cho hành động đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, tự thân cán bộ đảng viên phải nhận thức rõ và xác định lập trường tư tưởng vững vàng, nghiên cứu, nắm rõ nằm lòng 19 điều quy định đảng viên không được làm, đứng trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cần có chính kiến, không lung lay, dao động, đặc biệt là biết phân tích, lập luận đúng đắn để đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân cùng nắm rõ.

Tiếp đó, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nắm bắt và định hướng tư tưởng, bản lĩnh cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cần giáo dục, trang bị như thế nào để cán bộ, đảng viên vững vàng tư tưởng; làm sao để vừa nắm bắt được tâm tư nguyện vọng vừa truyền cảm hứng cho nhân dân, biến thành hành trang của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Muốn vậy, ngoài tạo điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh các quy định của Đảng pháp luật của Nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn làm được tấm gương sống, cán bộ đảng viên phải hội tụ đủ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Thực tiễn cho thấy, trong một tổ chức, bộ máy nói rộng ra là tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, cấp trên, người đứng đầu không nghiêm, không làm gương thì cấp dưới theo đó mà làm loạn. Từ đó mới dẫn tới tham ô, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, suy thoái, mất lòng tin của nhân dân, xã hội tất loạn, rối ren, trở thành nguy cơ thách thức đối với chế độ. Do đó, cấp trên, người đứng đầu phải làm gương, “đảng viên phải đi trước thì làng nước mới theo sau”, phải làm gương chứ không phải “làm màu, làm cho có” bởi người dân rất tinh tường, chủ nghĩa hình thức, giả tạo sớm hay muộn cũng “lòi ra”. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ thật khách quan, liêm chính, để thông qua đó lựa chọn được người đủ đức đủ tài xứng đáng giao trọng trách, “lượng tài mà trao chức” tránh tình trạng 5C, nhiều “ệ” như thực tế bấy lâu nay vẫn được báo chí phản ánh và người dân có ý kiến. Đặc biệt, đánh giá không đúng, chọn không trúng người sẽ gây nguy hại cho Đảng, nhất là khi người được chọn “bất chính”, người không được đánh giá đúng dễ dẫn tới bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đồng thời, cần sớm hiện thực hoá quy định bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần tạo môi trường để cán bộ “dám cãi”, dám đương đầu, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Quan trọng hơn đó là đảm bảo vấn đề lợi ích, trong đó chính sách tiền lương hợp lý chính là chìa khoá quan trọng.

Ai đã từng xem phim tài liệu "Mùa đông năm 1991" chắc hẳn sẽ không tránh khỏi xót xa khi chứng kiến hàng triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô bỏ thẻ Đảng, ra khỏi Đảng. Liên Xô tan rã do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyên nhân sâu xa là do sự thoái hóa của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong đó suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: Sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh; tham ô, tham nhũng, tha hoá về đạo đức... “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… Những nguyên nhân đó cũng chính là bài học kinh nghiệm đắt giá cho Đảng Cộng sản các nước, trong đó có Việt Nam. Là một người cộng sản chân chính, chắc chắn sẽ không ai muốn viễn cảnh đó xảy ra. Vậy làm như thế nào ? Mỗi cán bộ, đảng viên hãy khắc sâu vào tâm khảm những lời thề trước cờ Đảng vinh quang, “không phạm” vào 19 điều đảng viên không được làm thì chắc chắn công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng sẽ thành công, “Đảng với dân sát cánh kề vai” hoàn thành trọn vẹn mục tiêu, lý tưởng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chi bộ Văn phòng - Thanh tra



Ý kiến bạn đọc