Một số giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được công bố tại Lễ Công bố PCI 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; năm 2023, PCI Hà Tĩnh đạt 63,76/100 điểm, không thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2023; xếp thứ 5 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Như vậy, PCI 2023 ghi nhận sự tụt giảm về điểm số và thứ hạng so với năm 2022 (tụt 3,42 điểm).
Trong đó, điểm số trung bình CSTP Tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,60 điểm (điểm số trung bình của cả nước 6,75 điểm), giảm 0,25 điểm so với điểm số năm 2022. Trong 14 chỉ tiêu cấu thành CSTP Tiếp cận đất đai của tỉnh, so với năm 2022, có:
- 06 chỉ tiêu tăng điểm: (1) Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm (từ 16% giảm còn 11%); (2) Tỷ lệ DN phản ánh thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng (từ 16% giảm còn 14%); (3) Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định (từ 100% giảm còn 67%); (4) DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất (từ 1,69 giảm còn 1,58); (5) Sự thay đổi Bảng giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường (từ 70% tăng lên 75% DN đồng ý); (6) Tỷ lệ DN có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu (từ 20 giảm còn 16%).
- 07 chỉ tiêu giảm điểm: (1) DN tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh (từ 46% giảm còn 21% DN đồng ý); (2) Tỷ lệ DN gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch (từ 10,7 % tăng lên 11%); (3) Tỷ lệ DN phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (từ 31 tăng lên 43%); (4) Các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian (từ 33% tăng lên 38%); (5) Tỷ lệ DN tin rằng sẽ được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất (từ 31% giảm còn 17%); (6) Tỷ lệ DN thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục (từ 74% giảm còn 60%); (7) Tỷ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (từ 71 tăng lên 88%).
- 01 chỉ tiêu giữ nguyên điểm: (1) Số ngày chờ đợi để được cấp GCNQSD đất: 30 ngày.
Qua kết quả so sánh, đánh giá 14 chỉ tiêu cấu thành CSTP Tiếp cận đất đai nêu trên, cho thấy thời gian qua với những nỗ lực triển khai nhiều giải pháp của toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận trong lĩnh vực đất đai; UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định quy định và điều chỉnh, bổ sung quy định liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng; thông tin, dữ liệu về đất đai được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai được cải thiện; sự thay đổi Bảng giá đất của tỉnh cơ bản phù hợp với sự thay đổi giá thị trường. Tuy nhiên, CSTP Tiếp cận đất đai của tỉnh năm 2023 vẫn bị giảm 0,25 điểm so với năm 2022, đặc biệt ở những chỉ tiêu liên quan đến quỹ đất sạch, thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất và quá trình hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Ngoài 14 chỉ tiêu cấu thành CSTP Tiếp cận đất đai nêu trên, trong bộ chỉ số CPI còn có 04 chỉ tiêu khác liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm: 02 chỉ tiêu trong CSTP chi phí không chính thức (Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra môi trường và Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai) ; 02 chỉ tiêu trong CSTP Cạnh tranh bình đẳng (Thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn và Thuận lợi trong cấp phép khai thác khoáng sản là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn) .
Theo kết quả PCI năm 2023, so với năm 2022, có 02 chỉ tiêu trong CSTP Cạnh tranh bình đẳng tăng điểm và 02 chỉ tiêu trong CSTP Chi phí không chính thức giảm điểm, đặc biệt trong đó chỉ tiêu về Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai từ 31% tăng lên 62% là một trong những nguyên nhân dẫn đến CSTP Chi phí không chính thức năm 2023 từ 7,43 điểm giảm xuống còn 6,95 điểm.
Nguyên nhân giảm điểm CSTP Tiếp cận đất đai và một số chỉ tiêu liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Về chỉ tiêu “DN tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh” : Tiếp cận đất đai và duy trì ổn định hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh trong quá trình sử dụng để phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh là điều mà DN luôn mong muốn. Tuy nhiên, đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, đối tượng quản lý, sử dụng rất rộng. Quá trình lập quy hoạch sử dụng đất mặc dù đã thông báo rộng rãi công khai đến các tổ chức, cá nhân để đăng ký nhu cầu nhưng việc này chưa nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân liên quan, việc phối hợp thiếu chặt chẽ giữa đơn vị tư vấn và UBND cấp xã, UBND cấp huyện và các phòng, ngành chuyên môn dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có sai sót, cập nhật thiếu nhu cầu sử dụng đất và sai vị trí thể hiện trên bản đồ của một số công trình, dự án. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát sinh thêm nhu cầu sử dụng đất của các dự án cần triển khai trên địa bàn nằm ngoài dự báo của các cơ quan, phòng, ngành cấp huyện, cấp tỉnh dẫn đến việc tiếp cận đất đai, mở rộng kinh doanh của một số DN còn gặp những khó khăn nhất định.
- Về chỉ tiêu “Tỷ lệ DN gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch” : Tuy rằng, đây là một chỉ tiêu thành phần được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tốt (tỷ lệ 11% doanh nghiệp gặp khó khăn là 1 tỷ lệ rất thấp so với các địa phương khác) và có mức biến động nhỏ (từ 10,7% năm 2022 tăng lên 11% năm 2023), nhưng điều này cũng phản ảnh việc tạo quỹ đất đất sạch để thực hiện cho nhu cầu của các doanh nghiệp thuê đất không qua đấu giá, đấu giá đất các dự án chưa triển khai được. Về nguyên nhân chủ yếu do các quy định cơ chế chính sách về công tác GPMB sạch để đấu giá các dự án đầu tư chưa đầy đủ, đồng bộ (còn mâu thuẫn giữa Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ) nên việc triển khai trong thực tiễn tại các địa phương gặp nhiều khó khăn; việc tham mưu hoàn trả vốn ứng cho Quỹ Phát triển đất hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nên chưa thực hiện được.
- Về chỉ tiêu “Tỷ lệ DN phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ” : Nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường gồm nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước), trong khi đó cán bộ tiếp nhận hồ sơ bộ phận “Một cửa” của Sở tại Trung tâm Hành chính công tỉnh chỉ được bố trí 01 người, nên sẽ phát sinh trường hợp không nắm rõ hết được đầy đủ các quy định của pháp luật chuyên ngành nên quá trình tiếp nhận hồ sơ có lúc chưa biết để giải thích chi tiết, đầy đủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật ngành tài nguyên và môi trường nói chung, nhất là lĩnh vực đất đai chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất với pháp luật chuyên ngành, như: Đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý tài sản công... nên cán bộ chuyên môn khi giải thích cho Doanh nghiệp các quy định về lĩnh vực liên quan chưa đầy đủ, chi tiết.
- Về chỉ tiêu “Các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian” : Nguyên nhân do giá đất cụ thể được xác định tại thời điểm Nhà nước có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013); là khâu tổng hợp cuối cùng của tất cả các nội dung liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) và được cấp có thẩm quyền có quyết định giao đất, cho thuê đất. Quá trình thực hiện việc xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc từ cơ sở pháp lý, dữ liệu đầu vào dự án (một số dự án chưa nằm trong kế hoạch định giá đất cụ thể hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt; đã hết hạn chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; diện tích đất theo quy hoạch được duyệt còn chênh lệch so với diện tích được giao đất, cho thuê đất; việc giao đất, cho thuê đất theo từng đợt một số dự án giao không trọn lô, trọn thửa trong khi chấp thuận chủ trương đầu tư không phân kỳ)…..dẫn đến khó khăn khi xác định doanh thu phát triển và chi phí phát triển trong phương án giá đất; theo quy định có 05 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất) tuy nhiên đang còn định tính, chưa có định lượng dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, mỗi địa phương thực hiện một cách chưa có sự thống nhất. Đơn giá thuê đơn vị tư vấn định giá đất thấp, trong khi đó trách nhiệm cao, rủi ro lớn dẫn đến thuê đơn vị tư vấn định giá đất khó khăn; theo đó, việc lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất cụ thể theo quy định pháp luật đất đai, pháp luật đấu thầu qua nhiều bước, kéo dài thời gian, làm kéo dài thời gian thực hiện.
- Về chỉ tiêu “Tỷ lệ DN tin rằng sẽ được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất” : Mặc dù về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định tại các Nghị định: Số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017, số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ; Thông tư: số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 và số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các Quyết định: số 75/2014/QĐ-UBND ngày 3/11/2014, số 34/2018/QĐ-UBND ngày 02/10/2018, số 30/2023/QĐ-UBND ngày 30/6/2023 của UBND tỉnh. Tuy vậy, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án đầu tư vẫn còn vướng mắc, khó khăn, kéo dài làm ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng của cơ quan Nhà nước (Hội đồng GPMB cấp huyện). Bên cạnh đó, hiện nay, để thực hiện các công trình dự án của tỉnh, của Trung ương chủ đầu tư, ngày càng có nhiều tổ chức đang sử dụng đất bị ảnh hưởng phải thu hồi đất, bồi thường. Trong khi đó, quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các tổ chức đang sử dụng đất bị ảnh hưởng phải thu hồi đất chưa đầy đủ, có phần chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp nên dẫn đến một số DN còn băn khoăn, chưa yên tâm tin rằng sẽ được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất.
- Về chỉ tiêu “Tỷ lệ DN thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục” : Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, nhiều đối tượng quản lý (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh), đối tượng sử dụng rộng. TTHC về lĩnh vực đất đai liên quan nhiều đến các lĩnh vực, các luật khác. Trong khi đó pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu giá… thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhưng còn một số nội dung chồng chéo, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời. Mặt khác, thời gian qua, các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp, tồn đọng nhiều năm; một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm trục lợi… ảnh hưởng đến việc thực hiện TTHC về đất đai của DN.
- Về chỉ tiêu “Tỷ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai” : Về bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai, đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất. Mặc dù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành TTHC về đất đai theo đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bộ phận khi giải quyết TTHC và công khai về các nội dung và thực hiện bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đăng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã; đồng thời quy định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể trong thực hiện các thủ tục này; tổ chức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử… Tuy nhiên, quá trình thực hiện TTHC phát sinh thêm các quy định nằm ngoài TTHC, như: Phương án sử dụng tầng đất mặt đối với dự án lấy trên đất chuyên trồng lúa nước, Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế trong trường hợp lấy trên đất lâm nghiệp đủ tiêu chí thành rừng, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đầu tư…gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức đã được nhà nước giao, thuê đất thời gian qua cho thấy một số tổ chức chậm tiến độ sử dụng đất, chậm tiến độ đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan đã hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tiến độ đầu tư, gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành…để làm cơ cở cấp giấy phép xây dựng để tiếp tục thực hiện dự án, các quy định mới về PCCC... Việc thực hiện các quy định này cũng với những khó khăn do sự biến động của thị trường và tình hình kinh tế - an ninh thế giới ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của Nhà đầu tư và kế hoạch kinh doanh của các DN.
Một số giải pháp nâng cao điểm số CSTP Tiếp cận đất đai và một số chỉ tiêu liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Đề nâng cao điểm số CSTP Tiếp cận đất đai và một số chỉ tiêu liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu sót, bất cập giữa pháp luật đất đai và các lĩnh vực, như: Bất động sản, quản lý tài sản công...; quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các phương pháp định giá đất.
- Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024, tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để làm căn cứ kịp thời triển khai thực hiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
- Kịp thời trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Hà Tĩnh; thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cho các huyện, thành phố, thị xã; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Danh mục các công trình dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2025; Tập trung công tác lãnh đạo chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư; công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch và tăng cường công tác quản lý quy hoạch; thông tin về giá đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu đầu tư; công khai danh mục quỹ đất đấu giá hàng năm. Vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai để làm giảm thủ tục hành chính và tăng tính minh bạch trong công tác quản lý đất đai.
- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất. Duy trì Tổ hỗ trợ khắc phục một số khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện thủ tục đất đai và các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường… có liên quan đến đất đai. Kịp thời phối hợp các địa phương, ban, ngành hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn, thuê lại đất hoặc tự thỏa thuận bồi thường với người có đất khi thực hiện dự án đầu tư.
- Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện đổi mới hình thức công khai thủ tục hành chính, sơ đồ hoá quy trình các bước thực hiện để tổ chức, công dân dễ tiếp cận đối với các thủ tục của ngành tài nguyên và môi trường;
- Tổ chức rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo đúng quy định và có thời gian giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế, Trung tâm Công báo - Tin học, Văn phòng UBND tỉnh thực hiện triển khai kết nối, liên thông, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối phần mềm Dịch vụ công với phần mềm Hệ thống thông tin đất đai; liên thông hồ sơ điện tử với cơ quan Thuế được triển khai tại tất cả các hồ sơ đất đai. Phối hợp cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính; hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần bằng nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.
- Tích cực tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, xác định tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, đạo đức công vụ cho công chức, viên chức; Chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, vi phạm; giải quyết TTHC đảm bảo thời gian theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ nhằm kịp thời phát hiện, chẩn chính việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Thực hiện tốt quy định về nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cải cách TTHC về đất đai.
Nguyễn Thị Giang – Văn phòng Sở