“Chuyện đổi số là công việc của người đứng đầu, là công việc hàng ngày của người đứng đầu”
Quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp, nhất là cấp bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh.
Thứ nhất, người đứng đầu có vai trò quyết sự định thành công của CĐS. Chuyển đổi số (CĐS) là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ: 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Vì vậy, CĐS muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi. Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để CĐS.
Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. CĐS là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công cụ số trong công việc hàng ngày thì sẽ rất khó chỉ đạo công tác CĐS. Người Trung Quốc nói về CĐS như sau: Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng.
Cả ba thành tố, thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng đều có mức độ quan trọng và mang tính quyết định ngang nhau.
CĐS thì Chuyển đổi là danh từ, Số là tính từ. Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện sự chuyển đổi. CĐS là số hoá toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công.
Ở Việt Nam, qua 4 năm CĐS thì cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện CĐS đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ, bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc CĐS quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp, nhất là cấp bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh.
Nghiên cứu của McKinsey về thành công CĐS của các tổ chức cho thấy, sự vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công CĐS lên 1,6-1,8 lần. Mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu CĐS có thêm kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng.
Hội nghị ngày hôm nay đối với người đứng đầu các cấp muốn truyền đi một thông điệp quan trọng là, CĐS là công việc của người đứng đầu, và không chỉ có vậy, nó là công việc hàng ngày của người đứng đầu. Thông qua việc dùng công cụ số hàng ngày mà người đứng đầu sẽ phát hiện ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu mới cho CĐS.
Thứ hai, CĐS Việt Nam đã qua 4 năm tìm tòi, thử nghiệm, làm mẫu, ứng dụng thành công ở một số bộ ngành và địa phương, thì nay đã đến giai đoạn thu hoạch. Tức là giai đoạn nhân rộng ra cả nước, nhất là những cái cơ bản, nền tảng, những cái đã thử nghiệm, đã thành công. Cái cơ bản, cái nền tảng thì có thể copy nhân rộng được mà không cần cá thể hoá nhiều. Còn những ứng dụng đặc thù địa phương thì khó copy hơn, mà chỉ có thể học nhau về tư tưởng.
CĐS Việt Nam đã được 4 năm và bắt đầu bước sang năm thứ 5. Chúng ta đã có nhiều thành công ở các bộ ngành và địa phương, nhưng vẫn là thành công "lỗ chỗ". Hôm nay, chúng ta họp bàn ở đây, giống như một hội nghị "Diên Hồng", để bàn cách phổ cập những thành công này ra toàn quốc, để CĐS Việt Nam gặt hái được thành công, giống như là tìm cách thu hoạch thành quả của 4 năm khai phá CĐS. Và cũng là để mọi người dân và đất nước được hưởng thành quả của CĐS.
Thứ ba, chuyển sang giai đoạn nhân rộng thì giao nhiệm vụ, giao mục tiêu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ cho từng bộ ngành, địa phương có ý nghĩa quyết định. Sau 4 năm khai phá, thử nghiệm, chúng ta đã làm thành công một số cái căn bản của CĐS. Bây giờ sẽ là lúc Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành và địa phương, đặt ra mục tiêu phải hoàn thành những việc này, có thời hạn, có tiêu chuẩn, có yêu cầu về chất lượng.
Vậy là đã đến lúc phải chuyển giai đoạn, chuyển từ khuyến khích làm thí điểm, khuyến khích khai phá sang giao mục tiêu pháp lệnh. Chuyển từ tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn làm gì, làm thế nào sang quản lý theo mục tiêu. Giai đoạn thí điểm thì cách làm, giai đoạn nhân rộng thì mục tiêu. Quản lý theo mục tiêu là cách quản lý chính của giai đoạn nhân rộng.
Chuyển từ yêu cầu chung chung "tăng cường, nâng cao, cố gắng", đánh giá "có tiến bộ, có chuyển biến" sang đánh giá từng đơn vị "đạt hay không đạt".
Sẽ không chỉ là một mục tiêu chung cho toàn quốc nữa mà sẽ có mục tiêu cho từng địa phương. Trước đây, đặt một mục tiêu chung cho cả nước là đến hết năm 2024, 60% hồ sơ dịch vụ công của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình, thì nay sẽ đặt mục tiêu cho từng tỉnh là đến hết 2024, tất cả các tỉnh phải đạt tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình là 60%. Đặt mục tiêu cho từng địa phương, bộ ngành thì mới đánh giá được từng địa phương và bộ ngành, mới đánh giá được từng người đứng đầu.
Thứ tư, đo lường trực tuyến online, đo lường khách quan việc thực thi của các bộ ngành, địa phương là một sự thay đổi căn bản trong quản trị, là cơ sở để đánh giá cán bộ. Để quản lý theo mục tiêu thì có một việc quan trọng là phải đo đạc, đánh giá được một cách khách quan. Nếu đánh giá dựa trên báo cáo thì độ chính xác không cao, và do vậy, khó đánh giá được cán bộ. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình của các tỉnh đã có lúc được báo cáo là trên 30%, nhưng vừa qua khi đo trực tiếp từ hệ thống CNTT của các tỉnh thì chỉ được 17%.
Bộ TT&TT đã phát triển hệ thống đo trực tuyến, kết nối online thẳng vào các hệ thống CNTT của bộ ngành và địa phương. Lãnh đạo các bộ ngành và địa phương cũng sẽ có số liệu chính xác về CĐS cấp mình một cách tức thời, để có thể chỉ đạo thúc đẩy công tác CĐS cấp mình. Thủ tướng Chính phủ có số liệu chính xác để đánh giá cán bộ.
Quản lý theo mục tiêu thì giao những mục tiêu thiết thực, định lượng được, và sau đó đo lường và công bố số liệu, ít nhất là hàng tháng. Chuyển đổi từ cấp dưới báo cáo, cấp trên tổng hợp sang đo lường số liệu online là một sự chuyển đổi quan trọng trong quản lý nhà nước, là CĐS trong công tác quản lý.
Thứ năm, giao mục tiêu để các bộ ngành và địa phương chủ động làm thì ít nhất phải có một nơi công bố các thí điểm thành công, cách làm, các hướng dẫn, bài học thành công, doanh nghiệp làm, giải pháp, công nghệ, thậm chí giá cả. Để trợ giúp cho các bộ ngành và địa phương thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, Bộ TT&TT thiết lập một địa chỉ công bố các thử nghiệm thành công, các bộ ngành, địa phương đã làm thành công, hoặc các Case Study quốc tế, họ đã làm thế nào, bài học thành công, công ty nào làm, mất bao lâu, thậm chí có thể có cả giá cả và hiệu quả đạt được.
Thứ sáu, bây giờ là lúc Chính phủ thông qua một kế hoạch toàn diện về những cái nền tảng, cơ bản của CĐS Việt Nam, giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho từng bộ ngành và địa phương. Đã đến lúc chúng ta cần một kế hoạch CĐS tổng thể cấp quốc gia (Master Plan Of Basics) mà Thủ tướng Chính phủ sẽ giao những nhiệm vụ, mục tiêu CĐS cụ thể, có tính pháp lệnh cho từng bộ ngành và địa phương để CĐS được thực hiện một cách đồng bộ trên bình diện cả quốc gia. CĐS chỉ một khi là toàn dân và toàn diện thì mới phát huy hiệu quả tổng thể, cộng hưởng, khuếch đại và tạo ra hiệu ứng cấp số nhân.
hủ tướng Chính phủ trực tiếp làm việc với người đứng đầu các bộ ngành và địa phương thể hiện sự quyết tâm rất cao của người đứng đầu Chính phủ về CĐS. Coi CĐS là nội hàm chính của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Coi CĐS là phát triển chất lượng cao. Coi CĐS là động lực chính cho tăng trưởng. Coi dữ liệu là yếu tố sản xuất chính của kinh tế số. Coi CĐS là giải pháp chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Coi CĐS là phương thức quản trị quốc gia mới. Coi CĐS là lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nếu quan trọng như vậy thì người đứng đầu phải vào cuộc. Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng là yếu tố mang tính quyết định thành công.
Hội nghị "Diên Hồng" ngày hôm nay và một chương trình đào tạo người đứng đầu các cấp về CĐS, một kế hoạch hành động quốc gia cụ thể, một danh sách các mục tiêu cụ thể giao cho người đứng đầu các bộ ngành và địa phương sẽ thúc đẩy toàn diện công cuộc CĐS quốc gia.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/coi-chuyen-doi-so-la-dong-luc-tang-truong-loi-the-canh-tranh-quoc-gia-2304248.html