Khai thác dữ liệu số thế nào cho hiệu quả phục vụ quá trình chuyển đổi số

16/10/2023
Aa

Dữ liệu số là nền tảng, “mạch máu” xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân .

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu được xem như dạng tài nguyên, tài sản của không gian mới, là nhiên liệu và cũng là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu số.

Tối ưu dữ liệu để được đúng tài sản là “vàng”

Trong thời gian qua, lượng dữ liệu từ các cơ quan, bộ ngành, tổ chức tại Việt Nam đang bị phân mảnh, chưa có sự liên thông tạo thành dữ liệu lớn. Theo Quyết định 17 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đến hết năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu số (Ảnh minh họa: Internet)

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, với mục tiêu xây dựng và khai thác dữ liệu số quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Theo các chuyên gia, tập hợp được dữ liệu đủ lớn đã khó, đảm bảo chất lượng của nguồn dữ liệu cũng là thách thức không nhỏ.

“Ai cũng nói dữ liệu là “vàng”, là “dầu mỏ” nhưng nếu đầu vào toàn là sắt, thép sẽ không ra “vàng”, thậm chí không thể sử dụng được. Điều kiện tiên quyết là phải tổ chức được hệ thống dữ liệu để có thể phân tích được. Sau khi có dữ liệu chính xác, cần bổ nhiệm một nhà khoa học vừa hiểu dữ liệu, vừa hiểu kinh doanh để nhìn nhận dữ liệu có ý nghĩa”, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo bày tỏ.

Để chuyển hóa dữ liệu thành “vàng”, “dầu mỏ”, một yếu tố khác là bên cạnh dạy máy, còn phải đào tạo nhân viên mọi bộ phận về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, thu thập, xử lý dữ liệu. Cần xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu để mọi người hiểu đây là trách nhiệm chung để có dữ liệu chất lượng nhất, tránh đổ lỗi cho nhau.

Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, ví người làm dữ liệu giống như người đi “lọc dầu”.

“Sau khi lọc dầu thô ra xăng, dầu, sẽ tạo ra sản phẩm mới có giá trị vượt trội. Câu hỏi lớn hơn là làm sao đem giá trị đó đến từng khách hàng đúng thời điểm, đúng thứ họ mong muốn. Từ giá trị đã tìm ra được cho khách hàng, lại cần tìm cách trao đổi, giải thích cho họ về giá trị đó, truyền tải một cách rõ ràng, hiệu quả, làm cho họ thấu hiểu hơn giá trị tìm ra được từ “nhà máy lọc dầu”. Từ đó dữ liệu giúp tạo ra dữ liệu một cách chất lượng”, ông Việt chia sẻ.

Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị

Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay có chủ đề là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Các hoạt động được tổ chức trong ngày 10/10 và tháng 10 hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; góp phần nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 10/2023, Bộ TT&TT triển khai chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số”. Đây là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 hằng năm. Chương trình hướng tới lợi ích của người dân, giúp người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.

Doanh nghiệp (không giới hạn doanh nghiệp trong và ngoài nước) nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.

“Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” năm 2023 diễn ra từ ngày 1/10 - 31/10/2023, cao điểm trong 10 ngày từ ngày 1/10 đến hết ngày 10/10/2023. Trong "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số", doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các trang/cổng thông tin điện tử, các ứng dụng (app) của doanh nghiệp để người dân biết và sử dụng.

“Ghi nhận đến nay, “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” năm 2023 đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia. Đặc biệt, có nhiều chương trình ưu đãi đã được doanh nghiệp triển khai hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia từ sớm, trước tháng 10/2023 và có các chương trình ưu đãi kéo dài dư âm của Ngày Chuyển đổi số quốc gia đến sau tháng 10/2023”, ông Tiến cho hay.

Danh sách các chính sách ưu đãi tiêu dùng số của các doanh nghiệp hiện đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn.

Theo VOV



Ý kiến bạn đọc