Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đồng bộ và hiệu quả

17/10/2023
Aa

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Liên quan tới vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

* Xin ông cho biết việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở Bộ TN&MT và các địa phương trên cả nước trong thời gian qua?

Ông Võ Anh Tuấn: - Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành chủ trương, chính sách pháp luật về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã tích cực triển khai đồng loạt các giải pháp và đạt được nhiều thành tích trong cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, giao dịch về đất đai.

Cụ thể, Bộ TN&MT và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời, cũng tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Nhiều địa phương đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hiện nay đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

- Tại trung ương: Đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về  quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu về  giá đất; cơ sở dữ liệu về liệu điều tra cơ bản về đất đai.

- Tại địa phương:  Hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Kết quả đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai của 450/705 đơn vị cấp huyện (219  đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính và 231 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai với đầy đủ 4 thành phần: CSDL địa chính, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai, CSDL quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và CSDL giá đất) với tổng số hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai đạng giấy đã được số hóa  để đưa vào quản lý, khai thác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện nay, đã có 63/63 tỉnh thành phố đã kết nối với cổng dịch vụ công và tổ chức việc thanh toán trực tuyến. Đây là tiền đề để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất được công khai, minh bạch; 36/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Việc kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư đã được Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an triển khai, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã.

* Trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các địa phương có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Võ Anh Tuấn: - Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hiện nay có những thuận lợi như sau:

Thứ nhất phải nói đến đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản: pháp luật về đất đai năm 2013, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương  năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ hai là, các địa phương đã quan tâm, đánh giá được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng, vận hành khai thác CSDL đất đai. Xác định được nó là bộ công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, cũng như để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp  một cách minh bạch, nhanh nhất và tốt nhất. Điển hình đó là một số địa phương đã xây dựng đưa vào vận hành CSDL đất đai trên toàn tỉnh để quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Thứ ba là, tận dụng được thế mạnh của công nghệ các phần mềm hệ thống thông tin địa lý (GIS), phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn an ninh bảo mật trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư là, về học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các nước tiên tiến và  của các nước đã triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trước đây trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, với các thuận lợi nói trên nhưng kết quả xây dựng và vận hành CSDL đất đai đạt được đến nay trên cả nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ hoàn thành xây dựng CSDL đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, trong đó nguyên nhân chính của hạn chế này là:

Thứ nhất là, việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm;

Thứ hai là, hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL;

Thứ ba là, Trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế;

Thứ tư là, Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẽ với các hệ thống thông tin khác.

* Vậy theo ông làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này?

Ông Võ Anh Tuấn: - Ngày 17/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong đó đã yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai.

Trong Nghị quyết đã nêu rõ để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông. Các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án, nhiệm vụ về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai như: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về đất đai theo quy định.

Theo đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong thời gian vừa qua Lãnh đạo Bộ TN&MT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra đó là:

- Đã ban hành công văn 3787/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 26/5/2023 chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành CSDL đất đai, trong đó đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai; rà soát đưa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xây dựng CSDL đất đai vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác; tiếp tục tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong CSDL đất đai ở địa phương với các CSDL quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử; bố trí nguồn lực, ưu tiên kinh phí cho xây dựng CSDL đất đai và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TN&MT để tổng hợp, theo dõi, giám sát.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS) thuộc Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ quản đầu tư để cung cấp phần mềm hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin cho các địa phương sử dụng theo mô hình tập trung, thống nhất trong cả nước.

Lãnh đạo Bộ TN&MT và Bộ công an làm lễ kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tháng 2/2023)
Lãnh đạo Bộ TN&MT và Bộ công an làm lễ kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tháng 2/2023)

* Thưa ông, Nghị quyết 18/NQ-TW đã đặt mục tiêu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông, vậy trong thời gian tới, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ TN&MT đã tham mưu xây dựng những quy định gì để thực hiện được mục tiêu này?

Ông Võ Anh Tuấn: - Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian qua Bộ TN&MT đã đề xuất dự thảo Chương XII về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này gồm có 8 Điều.

Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW, chương này có sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau:

- Bổ sung quy định Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

- Bổ sung quy định về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để tạo ra các giá trị gia tăng, tạo nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

- Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông.

- Bổ sung quy định việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và các nguồn khác theo quy định của pháp luật; Ngân sách trung ương đảm bảo cho các hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương thực hiện và ngân sách địa phương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương thực hiện.

- Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và mốc thời gian phải đưa hệ thống vào vận hành, khai thác, sử dụng.

Việc bổ sung các quy định nêu trên nhằm đảm bảo để xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia về đất đai theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước theo nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Với các quy định của Dự thảo, tôi tin tưởng rằng sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT và các địa phương sẽ có  được cơ sở, hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai nhằm thực hiện các mục tiêu được Đảng và Nhà nước đề ra, đồng thời tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Monre.gov.vn



Ý kiến bạn đọc