GEOSEA15: Cơ hội thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản

09/10/2018
Aa

* Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á (GEOSEA) được tổ chức 2 năm một lần và Đại hội lần thứ 15 năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Ông có thể giới thiệu về GEOSEA?

Ông Đỗ Cảnh Dương: - GEOSEA là Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á, lần đầu tiên ra mắt tại Ma-lai-si-a năm 1972. GEOSEA có biểu tượng và cờ hiệu riêng thể hiện tầm nhìn của cộng đồng các nhà địa chất và khoáng sản ASEAN. GEOSEA được tổ chức luân phiên 2 năm một lần, được xem là một sự kiện hàng đầu về khoa học địa chất trong khu vực. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự có cơ hội là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội với chủ đề: Khoa học địa chất và Tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững.

Với thông điệp trên, Đại hội là diễn đàn để trao đổi, thảo luận những kết quả, thành tựu mới nhất của khoa học địa chất trong điều tra cơ bản địa chất, đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến nguồn tài nguyên trái đất; dự báo, giảm nhẹ tác động của tai biến địa chất trong điều kiện biến đổi khí hậu; giới thiệu cơ sở khoa học, đề xuất việc xây dựng chính sách phù hợp để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đảm bảo phát triển. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 - 2025.

* Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức GEOSEA, ông cho biết quá trình chuẩn bị và nội dung cơ bản của Đại Hội?

Ông Đỗ Cảnh Dương: - Sau gần hai năm chuẩn bị nội dung, đến nay đã có gần 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham dự. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 300 báo cáo khoa học bao trùm tất cả các lĩnh vực chuyên môn về địa chất, tài nguyên trái đất, trong đó có gần 150 báo cáo khoa học của các đại biểu quốc tế. Ngoài phiên họp toàn thể, các báo cáo sẽ được trình bày trong 12 Tiểu ban chuyên môn gồm: Cổ sinh - Địa tầng - Trầm tích luận;  Địa hóa - Khoáng vật;  Thạch luận đá magma và biến chất; Địa chất biển; Địa vật lý; Cấu trúc địa chất - Kiến tạo - Sinh khoáng; Tài nguyên khoáng sản và Công nghiệp khai khoáng; Tài nguyên năng lượng và chế biến; Địa chất Thủy văn, Quản lý Tài nguyên nước và Địa chất công trình; Địa chất môi trường- Di sản địa chất, Công viên địa chất; Địa kỹ thuật và Địa chất đô thị; Biến đổi khí hậu và Tai biến địa chất.

Đại hội diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2018. Ngoài ra có 05 tuyến thực địa trước (ngày 13-15/10/2018) và sau Đại hội (ngày 18-21/10/2018) tới các cấu trúc địa chất, di sản địa chất và các mỏ khoáng sản điển hình gồm: (1) Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà; (2) Đới cắt trượt Sông Hồng - biến chất Hoàng Liên Sơn; (3) Đới Ophyolit Sông Mã - Rift Sông Đà; (4) Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn; (5) Đới biến chất cao và siêu cao Kon Tum.

* Theo ông Việt Nam cần có những hành động gì để tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản giữa các nước ASEAN, cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực địa chất và khoáng sản tại Việt Nam?

Ông Đỗ Cảnh Dương: - Từ năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, theo đó, tất cả các ngành, các cấp của Việt Nam đều phải chuẩn bị để hội nhập khu vực. Lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng nằm trong xu thế chung đó. Thông qua hội nhập, từng bước hài hòa, đồng thuận với các nước ASEAN về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý hoạt động địa chất và khoáng sản, các quy định kỹ thuật về nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất, điều tra đánh giá, thăm dò tài nguyên khoáng sản cũng như lĩnh vực địa chất môi trường, địa chất đô thị, tai biến địa chất và biến đổi khí hậu. Từ đó, tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản giữa các nước ASEAN, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất và phát triển công nghiệp khai khoáng tại Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

* Xin cảm ơn ông.

Theo monre.gov.vn



Ý kiến bạn đọc