Chuẩn bị triển khai nhiều quy định mới về Bảo vệ Môi trường

13/01/2022
Aa

PHÂN LOẠI DỰ ÁN VÀ CẮT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

- Theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp, cụ thể là:

+ Quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: Giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí.

+ Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (đánh giá sơ bộ tác động môi trường, ĐTM, cấp GPMT nếu phát sinh chất thải); đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp GPMT ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ TTHC thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 01 GPMT và bãi bỏ các giấy phép có liên quan;

+ Xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của doanh nghiệp, Luật quy định các đối tượng xả nước thải, bụi, khí thải lớn ra môi trường phải quan trắc định kỳ; đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục bao gồm các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải trung bình trở lên và cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải lớn, các khu, cụm công nghiệp. Đối tượng, thông số, tần suất quan trắc cụ thể sẽ do Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện phát triển khoa học, công nghệ và yêu cầu BVMT trong từng thời kỳ.

TĂNG CƯỜNG CÔNG KHAI THÔNG TIN, THAM VẤN, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG BVMT

- Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT, Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.

- Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật BVMT 2020 theo các nội dung cụ thể về BVMT, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Cụ thể, Luật đã bổ sung nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

- Lần đầu tiên quy định việc công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, dành một Điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo ĐTM sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, nội dung báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường, trừ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong Luật.

Hình thức công khai được thực hiện thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung và việc quản lý thông tin về môi trường; trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

- Lần đầu tiên, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư, được quy định ngay từ khi lập báo cáo ĐTM. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu, hình thức tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM; kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo ĐTM của dự án. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường, Luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan.



Ý kiến bạn đọc