“Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đó là chủ đề của Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2015. Cùng với cả nước, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) quyết tâm, chung tay hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về TN&MT, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân và doanh nghiệp
TN&MT là một ngành đa lĩnh vực mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Bộ TN&MT đã được giao quản lý 08 lĩnh vực chuyên ngành gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên địa chất, khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo và một số nhiệm vụ khoa học công nghệ tổng hợp gồm viễn thám, công nghệ thông tin. Các lĩnh vực quản lý của ngành hầu hết đều có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế, xã hội; là ngành điều tra cơ bản, dự báo gắn liền với các hoạt động điều tra, thăm dò, quan trắc với mạng lưới tổ chức rộng khắp cả nước và gắn liền với yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ TN&MT, là yếu tố quan trọng của một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Ngay từ khi được thành lập, xác định việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ TN&MT đã luôn luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL về TN&MT, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm việc khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và quyền lợi, nghĩa vụ của người dân; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Hệ thống chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường đi vào cuộc sống; tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tài nguyên và môi trườngngày càng hiệu quả hơn
Giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 10 năm 2015, Bộ TN&MT đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 726 văn bản, trong đó gồm: 09 Luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 01 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, 03 Nghị quyết liên tịch, 04 Nghị quyết của chính phủ, 65 Nghị định, 61 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 11 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 341 Thông tư, 61 Thông tư liên tịch, 164 Quyết định của Bộ trưởng Bộ TN&MT và 03 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TN&MT và một số Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương.
Chính sách pháp luật đất đai
ngày càng hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung mới so với Luật Đất đai năm 2003 về: xác định loại đất; cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; bổ sung những nội dung chính trong việc điều tra cơ bản, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội; quy định cụ thể rõ ràng chi tiết từ các nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch; đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; bảo đảm quyền lợi về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; rõ ràng, minh bạch về tài chính đất đai; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất phù hợp với từng hình thức như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất,…Ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT đã tích cực xây dựng các văn bản quy định chi tiết, thi hành luật và lần đầu tiên có một dự án luật mà văn bản quy định chi tiết, thi hành luật được ban hành để có hiệu lực đồng thời cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Chính sách pháp luật về môi trường
quy định về sự thống nhất quản lý bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước, đề ra những biện pháp phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường; những nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, lập quy hoạch bảo vệ môi trường cũng như xây dựng tiềm lực cho hoạt động dịch vụ môi trường ở Trung ương và địa phương. Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, các tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm bảo vệ sức khoẻ mọi người, đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành của đất nước cũng như góp phần bảo vệ môi trường khu vực và trên thế giới, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 bao gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo vệ môi trường; chính sách bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm; quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ môi trường nước sông; bảo vệ môi trường đất; bảo vệ môi trường không khí; bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; bảo vệ môi trường làng nghề; nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng; thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; quản lý chất thải nguy hại; xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quan trắc môi trường; thông tin môi trường, chỉ thị môi trường, thống kê môi trường và báo cáo môi trường; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường; thanh tra về môi trường; xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường và thời hiệu khởi kiện.
Chính sách pháp luật về địa chất và khoáng sản
được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành kịp thời và khá đồng bộ; thể chế hoá được các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản gắn liền với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên có hạn và bảo vệ sự bền vững môi trường sinh thái và tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Luật Khoáng sản 2010 đã quy định rõ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; bổ sung cơ chế để thực hiện xã hội hoá trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; việc cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, cơ bản chấm dứt tình trạng trạng xin - cho trong hoạt động khoáng sản,... Đặc biệt, thông qua triển khai thi hành Luật Khoáng sản 2010, những năm qua Nhà nước đã thu về ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai tháng khoáng sản.
Chính sách pháp luật về tài nguyên nước
được xây dựng, hoàn thiện theo hướng quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác. Luật Tài nguyên nước 2012.
Luật tài nguyên nước năm 2012, khắc phục bất cập và kế thừa Luật tài nguyên nước năm 1998, bổ sung nhiều vấn đề về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; danh mục lưu vực sông; tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; giám sát tài nguyên nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy; tăng cường các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; bổ sung các quy định về tiết kiệm nước nhằm thực hiện chủ trương chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các quy định về chuyển nước lưu vực sông; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất và các quy định về khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt.; điều chỉnh phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của nước do hoạt động liên quan khai thác, sử dụng tài nguyên nước của con người gây ra như phòng chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, xâm nhập mặn, sụt, lún đất, sạt, lở bờ, bãi sông,…
Chính sách pháp luật về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu
cũng dần dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao ý thức, tạo sự chủ động và an toàn cho người dân và cộng đồng. Nhiều văn bản quan trọng đã được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện như: Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần; Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu,… Hiện nay, dự án Luật Khí tượng thủy văn đang được trình Quốc hội khóa XIII để thông qua tại kỳ họp thứ 10 thay thế Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn sẽ là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khí tượng thủy văn ngày càng phát triển.
Chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ
được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thống nhất quản lý nhà nước và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ, đưa quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đi vào nền nếp, hướng tới việc thống nhất sử dụng dữ liệu đo đạc cơ bản, chia sẻ và sử dụng chung thông tin, giảm dần tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí. Công tác đo đạc và bản đồ cơ bản đã phục vụ kịp thời yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học về trái đất, hòa nhập với khu vực và thế giới.
Chính sách pháp luật quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo
đã tạo hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động trên biển đối với các vấn đề ưu tiên như: điều tra cơ bản tài nguyên biển; bảo vệ môi trường và sinh thái biển; phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ biển; tạo cơ sở và điều kiện cho việc tăng cường hợp tác quốc tế trên biển... Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo. Trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về: hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển… Việc thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp với các công cụ, cơ chế, nguyên tắc, quy định nêu trên sẽ bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; huy động được tối đa các nguồn lực đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chính sách pháp luật về viễn thám
bước đầu được xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viễn thám, đặc biệt trong việc thu nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia.
Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật tài nguyên và môi trường
Trước yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về TN&MT, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ TN&MT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý TN&MT ngày càng hiệu quả hơn và từng bước đi vào nề nếp. Công tác soạn thảo, ban hành VBQPPL về TN&MT được thực hiện tuân thủ quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mặt khác, Bộ đã luôn quan tâm, kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác pháp chế của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ. Hàng năm, Bộ đều tổ chức tập huấn; kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các VBQPPL của bộ; tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các VBQPPL của Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo 2016-2020 là tiếp tục xây dựng các dự án luật đối với các lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh; đối với các lĩnh vực đã có luật điều chỉnh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo các luật được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT./.