Những văn bản lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 7/2021

22/07/2021
Aa
Trong tháng 7/2021, nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường bắt đầu có hiệu lực. Điển hình như Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên ta
Phạt đến 120 triệu đồng khi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường
Từ ngày 1/7/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày 24/5/2021 bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường theo quy định về thực hiện Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt, giảm mạnh mức phạt đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng còn từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng so với mức phạt cũ là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, bổ sung quy định phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất phân tán dầu tràn và chế phẩm sinh học trong ứng phó sự cố tràn dầu không đúng quy định.

Nghị định này còn bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; Buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định; Buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định....

Bản tin động đất, sóng thần phải được cung cấp ngay sau khi hoàn thành

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.

Theo đó, tin cảnh báo lốc, sét, mưa đá được ban hành trước ít nhất 30 phút khi các hiện tượng trên có khả năng xảy ra; các tin cảnh báo lốc, sét, mưa đá liên tục được cập nhật tùy theo diễn biến cụ thể. Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được cung cấp cho cơ quan, tổ chức trong thời gian chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm hoàn thành bản tin dự báo, cảnh báo gần nhất.

Bên cạnh đó, đối với bản tin động đất, tin cảnh báo sóng thần phải được cung cấp ngay sau khi hoàn thành cho các cơ quan, tổ chức. Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin bão gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Tin bão trên Biển Đông, Tin cảnh báo lũ và Tin lũ, tổ chức phát tin 02 giờ một lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các kênh phát sóng của Đài, trường hợp chưa nhận được tin mới thì tiếp tục phát lại tin cũ gần nhất.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Danh mục trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai

Từ ngày 20/7, Quyết định 20/2021/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục và quy định việc quản lý việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, Danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai bao gồm: Xe trang bị các thiết bị chuyên dùng giám sát, phân tích thiên tai phục vụ các đoàn công tác tiền phương và chỉ đạo tại hiện trường đáp ứng yêu cầu đối với các tình huống thiên tai như bão, lũ; Thiết bị di động theo dõi diễn biến, phân tích thiên tai; Thiết bị cảnh báo động đất, sóng thần; Trạm cảnh báo dông, lốc, sét;…

Bên cạnh đó, vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong quá trình sử dụng, bảo quản, cất giữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định với trường hợp vật tư, phương tiện bị mất, hư hỏng,…

theo: baotainguyenmoitruong.vn



Ý kiến bạn đọc