Nâng cao cảnh giác trong giao dịch đất đai

21/06/2021
Aa

Thời gian qua, cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) giả, giả mạo chữ ký của lãnh đạo Sơ, con dấu của Sở để thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhưng người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan cần nâng cao tinh thần cảnh giác; kiểm tra, kiểm soát đầy đủ khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo thông tin tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây tình trạng làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận QSDĐ) đã xẩy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Từ đầu năm 2020 đến nay, đã phát hiện 05 trường hợp sử dụng phôi giả, giả mạo chữ ký của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giả mạo dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các giao dịch về đất đai. Đã được phòng Tài nguyên và Môi trường và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai kịp thời phát hiện, chuyển công an điều tra xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Điều đặc biệt là vị trí các thửa đất đã được làm giả giấy chứng nhận, giả mạo chữ ký và con dấu không phải ở khu vực đô thị, có giá trị cao mà lại xuất hiện ở những vùng nông thôn, giá rẻ; lợi dụng sự hiểu biết cũng như sự tiếp cận thông tin của người dân còn có những giới hạn nhất định, để dễ qua mặt nhiều người, các đối tượng sử dụng giấy giả thường hạ giá tài sản cần bán thấp hơn so với thị trường để thúc đẩy việc mua bán diễn ra nhanh chóng gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng tài sản liên quan.

Phôi Giấy chứng nhận giả được làm đúng như nguyên bản

Theo ý kiến của một số đồng chí Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện có liên quan thì nhận thấy  các giấy chứng nhận giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện, tạm thời chia làm 2 dạng. Dạng 1 là sử dụng phôi giấy chứng nhận giả; giả mạo chữ ký, con dấu giả có thông tin giống như trên giấy chứng nhận thực, hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng phát hành. Nguyên nhân, có được thông tin là do thông qua các trung tâm giao dịch bất động sản, lòng tin của người dân khi tiếp xúc với các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu đất đai, cung cấp thông tin về thửa đất, chụp ảnh bìa và hồ sơ liên quan; đối tượng làm giả lợi dụng thông tin có được để làm giả giấy chứng nhận. Dạng thứ 2 là giấy chứng nhận giả, đất không có thực, thông tin trên giấy chứng nhận giả khác với hồ sơ địa chính cơ quan chức năng đang quản lý; đối với trường hợp này phải kiểm tra thực địa vị trí thửa đất, cơ sở dữ liệu và hồ sơ địa chính thì mới phát hiện được.

Nhìn chung  giấy chứng nhận giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện, chỉ có những viên chức có chuyên môn, có kinh nghiệm nhiều năm mới nhận biết, đánh giá và phát hiện được thông qua nhận dạng chữ ký của lãnh đạo Sở. Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh covid diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm lại nay vẫn mức cao, diễn ra khá sôi động, các công ty môi giới, người có nhu cầu chuyển nhượng đất đai, nhà ở thường rao bán công khai trên mạng. Để chủ động phòng tránh, không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm này, người dân cần hết sức cẩn thận trong việc mua bán. Khi người dân có nhu cầu chuyển nhượng, phải hết thức thận trọng, không nên quá tin tưởng giao giấy chứng nhận hoặc photo giấy chứng nhận cho các công ty môi giới, cũng như người có nhu cầu mua đất. Đây là lý do để kẻ xấu lợi dụng thông tin để làm giấy chứng nhận giả. Về phía người dân có nhu cầu nhận chuyển nhượng, trước khi tiến tới giao dịch phải đến cơ quan quản lý, như: UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai để xác minh thông tin trên hồ sơ địa chính; khảo sát, đo đạc thực địa vị trí, xác định cắm cọc ranh đất có người giáp ranh chứng kiến; cần thiết phải đăng ký cấp giấy xong, bàn giao đất ngoài thực địa xong mới trả đủ tiền theo thỏa thuận. Theo đó, đối với cơ quan, tổ chức có chức năng công chứng, chứng thực, cần tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với văn phòng đăng ký đất đai để xác minh thông tin thửa đất, giấy chứng nhận trước khi thực hiện công chứng, chứng thực các giao dịch liên quan đến đất đai.

Chủ động công tác tuyên truyền, kiểm tra

Trước thực trạng xuất hiện những giấy chứng nhận giả, giả mạo chữ ký, con dấu trong thời gian qua, ngày 15/6/2021 Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 2171/STNMT-ĐĐ1 về việc chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng phôi GCNQSD đất QSH tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp, cung cấp những hồ sơ có liên quan hỗ trợ Công an xử lý những hành vi làm giấy giả; kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện những giấy chứng nhận có dấu hiệu giả để xử lý. Theo văn bản trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp phối hợp tăng cường chỉ đạo các Tổ chức tín dụng, cơ sở công chứng trên địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc tiếp nhận tài sản giao dịch đảm bảo là giấy chứng nhận QSDĐ nhằm đảm bảo chính xác thực địa, thông tin trong hồ sơ địa chính; kịp thời phản ánh, báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền khi phát sinh các trường hợp tài sản giao dịch bảo đảm là Giấy chứng nhận QSDĐ có dấu hiệu nghi ngờ để xử lý; khuyến cáo các cơ sở công chứng nâng cao tình thần, trách nhiệm trong việc công chứng hồ sơ giao dịch về đất đai để kịp thời ngăn chặn tình trạng sử dụng phôi giấy chứng nhận giả, giả mạo chữ ký, con dấu thực hiện các giao dịch về đất đai.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu và phòng ngừa, trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất; trong trường hợp cần thiết thì liên hệ cơ quan chức năng như: Phòng Tài nguyên và môi trường, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương nơi có đất; tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát thông tin trên hồ sơ địa chính; chỉ đạo phòng Tư pháp cấp huyện định kỳ thực hiện công tác kiểm tra tổ chức thực hiện chứng thực hồ sơ giao dịch liên quan đến đất đai tại các địa phương nhằm từng bước ngăn chặn và kịp thời pháp hiện những trường hợp sử dụng giấy tờ giả, giả mạo chữ ký để thực hiện giao dịch. Ngoài ra, cần chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (nếu phát hiện trường hợp giao dịch khả nghi) thông báo trên hệ thống truyền thanh cấp xã; quan tâm công tác kiểm tra vị trí thửa đất, thông tin trên giấy chứng nhận so với hồ sơ địa chính trước khi thực hiện chứng thực các giao dịch liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai, yêu cầu chỉ đạo các Chi nhánh tăng cường và nâng cao tinh thần, trách nhiệm; trình độ chuyên môn trong công tác thẩm định hồ sơ, kịp thời thông báo các biến động đất đai cho UBND các xã, phường, thị trấn để cập nhật và theo dõi (cung cấp bản sao bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai (dạng số và dạng giấy) cho UBND cấp xã sử dụng; thực hiện nghiêm túc công tác cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, các biến động đất đai phải đối chiếu, kiểm tra trước khi cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính; thực hiện nghiêm túc việc lập, quản lý sổ sách theo dõi tình hình tiếp nhận và sử dụng phối Giấy chứng nhận (so sánh giữa seri Giấy chứng nhận đã nhận với seri Giấy chứng nhận đã sử dụng và seri Giấy chứng nhận còn lại chưa sử dụng ở từng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký và tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh); seri giấy chứng nhận in hỏng đã hủy bỏ và chưa hủy bỏ, kể từ thời điểm Văn phòng thành lập và đi vào hoạt động đến nay; Quản lý chặt chẽ việc tiêu hủy phôi Giấy chứng nhận bị hư hỏng; đặc biệt là đối với việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận cũ chưa sử dụng nhưng không còn hiệu lực (nếu có); nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận trong hệ thống văn phòng đăng ký đất đai đối với các trường hợp giao dịch để phát hiện sớm những nội dung giả mạo, kịp thời báo cơ quan chức năng xử lý; tăng cường công tác kiểm tra tình hình cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi viên chức tiếp tay, để lộ thông tin đất đai để các đối tượng lợi dụng làm giả giấy chứng nhận.Trường hợp phát hiện được phôi giấy chứng nhận giả, giả mạo chữ ký thì kịp thời lập biên bản, báo cáo cơ quan chức năng phối hợp xử lý.

Giải pháp về chia sẻ thông tin

Trong bối cảnh thị trường bất động sản thường xuyên có những biến động theo chiều hướng tăng, thông tin về thửa đất thường bị các đối tượng xấu lợi dụng phục vụ lợi ích cá nhân, gây thiệt hại đến người có lợi ích liên quan thì giải pháp chia sẻ thông tin quản lý đối với thửa đất khi có giao dịch trên thị trường đóng một vai trò rất quan trọng. Như vậy, việc đẩy nhanh hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (viết tắt VILG) đang triển khai trên địa bàn tỉnh để đưa vào sử dụng, hướng tới việc chia sẻ thông tin, cung cấp dịch vụ về thông tin về vị trí, loại đất, đối tượng sử dụng, số Giấy chứng nhận đã cấp, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính liên quan...cho các đối tượng có nhu cầu khai thác, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngặn chặn hành vị sử dụng phôi giả, giả mạo chữ ký và con dấu để thực hiện các giao dịch về đất đai là hết sức cần thiết. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân cũng như người dân có liên cần cẩn trọng trong các giao dịch liên quan đến đất đai để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Lê Văn Phụ - Phòng đất đai 1



Ý kiến bạn đọc