Căn cứ xác định và thủ tục hồ sơ yêu cầu thực hiện bồi thường trách nhiệm nhà nước

18/12/2023
Aa

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về bản chất là trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện: (i) có thiệt hại xảy ra; (ii) có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại; (iv) có lỗi của người gây thiệt hại. Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Vậy đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phát sinh khi nào? Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ làm rõ căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và trình tự thực hiện bồi thường trách nhiệm nhà nước.

1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (Điều 7)

- Khoản 1, Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, theo đó Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi đủ các căn cứ sau:

+ Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

+ Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

- Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm (Khoản 2, Điều 7 Luật BTTNNN năm 2017):

+ Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

- Văn bản làm căn cứ yêu cầu bội thường trách nhiệm nhà nước được quy định cụ thể tại các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Luật BTTNNN năm 2017. Cụ thể:

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm: (1) Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; (2) Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; (3) Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; (4) Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; (5) Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra; (6) Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; (7) Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm: (1) Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; (2) Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; (3) Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính bao gồm: (1) Bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính phạm tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; (2) Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (3) Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính vì đã ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; (4) Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc và quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đó xác định hành vi trái pháp luật của người ra bản án, quyết định có đủ căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị xử lý thì người đó chết; (5) Quyết định xử lý kỷ luật người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; (6) Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự bao gồm: (1) Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; (2) Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; (3. Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; (4) Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; (5) Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm: (1) Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; (2) Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; (3) Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; (4) Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; (5) Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; (6) Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; (7) Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.

2. Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ bồi thường trách nhiệm nhà nước

2.1. Hồ sơ yêu cầu bồi thường theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Căn cứ theo Điều 41 Luật TNBTNN năm 2017 quy định:

(1) Trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường (sau đây gọi là hồ sơ) bao gồm:

- Văn bản yêu cầu bồi thường;

- Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

- Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;

- Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

(2) Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế (nếu có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại thì ngoài các tài liệu quy định trên (trừ giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại) thì hồ sơ còn phải có các tài liệu sau đây:

- Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại;

- Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền;

- Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

(3) Văn bản yêu cầu bồi thường phải có nội dung chính sau đây:

- Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường;

- Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu bồi thường;

- Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;

- Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;

- Thiệt hại, cách tính và mức yêu cầu bồi thường;

- Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có);

- Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

- Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có);

- Yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).

Trường hợp người bị thiệt hại chỉ yêu cầu phục hồi danh dự thì văn bản yêu cầu bồi thường không cần có nội dung về thiệt hại, cách tính, mức yêu cầu bồi thường và đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường.

(4) Người yêu cầu bồi thường nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường.

- Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.

(5) Ngoài ra, trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ là bản sao nhưng phải có bản chính để đối chiếu; trường hợp người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Theo đó hồ sơ yêu cầu bồi thường theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm những tài liệu nêu trên.

2.2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu bồi thường theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thực hiện theo quy trình mấy bước?

Tại Điều 42 Luật TNBTNN năm 2017 quy định về các bước thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ:

Bước 1. Cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ trực tiếp.

Trường hợp hồ sơ được gửi qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.

Bước 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện các việc sau đây:

- Yêu cầu người yêu cầu bồi thường bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cung cấp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản đó hoặc làm rõ nội dung văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong trường hợp nội dung của văn bản đó không rõ ràng.

Bước 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường phải bổ sung hồ sơ, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải cung cấp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc làm rõ nội dung văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự không tính vào thời hạn quy định tại khoản này.

Như vậy, với các quy định như trên có thể thấy Luật TNBTCNN hiện hành đã quy định rõ và cụ thể các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ bồi thường trách nhiệm nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người giải quyết yêu cầu bồi thường xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi, lợi ích của người bị thiệt hại.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh



Ý kiến bạn đọc