Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

08/01/2024
Aa

Ngày 29/12/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 588/KH-UBND về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với mục đích: Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 149/QĐ TTg). Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn liền với bảo tồn văn hóa và tri thức.

Ảnh minh họa

* Kế hoạch đã đề ra mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát

Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế -- xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021--2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau: các khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý bảo vệ tốt mang tính bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao; 100% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định trên 52%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái (nếu có).

- Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của một số loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ được cải thiện. Tiếp tục quản lý, kiểm soát có hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại; ngăn ngừa, phòng, chống loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

- Quản lý, kiểm soát các giống loài sinh vật, sản phẩm biến đổi gen; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi bản địa, quý hiếm được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu khoảng 1.000 nguồn gen.

- Giá trị của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá, duy trì và nâng cao thông qua việc sử dụng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học; giải pháp dựa vào thiên nhiên được triển khai, áp dụng trong phát triển kinh tế -- xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiếp cận và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

* Nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch bao gồm:

1. Tăng cường bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học

2. Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư

3. Tăng cường công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen

4. Đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

5. Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Phòng Môi trường



Ý kiến bạn đọc