Nghị quyết về “Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”

05/08/2018
Aa

Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ có diện tích rừng tự nhiên gần 218.259ha, khoảng 95.175ha diện tích rừng trồng, có vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Hà Tĩnh có vùng sinh thái quan trọng là vùng núi cao ở phía Tây, vùng đất ngập nước ven biển, cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều tạo nên tính đa dạng hệ sinh thái (rừng, đồng bằng, cửa sông, ven biển…), đa dạng loài động thực vật, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh là nơi phát hiện được nhiều loài mới cho khoa học như: Sao la, Mang lớn, Gà lôi Hà Tĩnh (đuôi trắng), Cá sao vũ quang,…

Hình ảnh 1. Rừng nguyên sinh tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

Hình ảnh 2. Khu rừng đặc dụng Khu BTTN Kẻ Gỗ

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã thống kê được 5.339 loài sinh vật, trong đó có 2.993 loài thực vật bậc cao, 213 loài thực vật bậc thấp, 1.095 loài động vật có xương sống, 101 loài động vật nổi, 87 loài động vật đáy và 850 loài côn trùng. Đặc biệt, đã ghi nhận 345 loài động, thực vật quý hiếm ở các thứ hạng nguy cấp của Danh lục Đỏ thế giới (IUCN, 2016), Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, được bảo tồn tại VQG Vũ Quang và Khu BTTN Kẻ Gỗ, nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất của cả tỉnh.

Hình ảnh 3: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis

Hình ảnh 4. Gà Lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis)

Tuy nhiên, sự tác động tiêu cực của phát triển kinh tế, xã hội đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi rừng làm thu hẹp nơi cư trú của các loài, khai thác và đánh bắt quá mức hoặc buôn bán trái phép động thực vật quý hiếm, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu… ngày tăng làm cho sự phong phú về ĐDSH bị suy giảm mạnh. Bên cạnh đó công tác quản lý bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.  Chính vì thế, để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, các loài, nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; giữ gìn nét đẹp tự nhiên và phát triển tiềm năng du lịch sinh thái của Hà Tĩnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đa dạng sinh học, đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh phải đề ra những giải pháp hiệu quả, mang tính lâu dài để quản lý, bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học.

Thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính Phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học; Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Thời gia qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với đơn vị tư vấn tham mưu cho UBND tỉnh lập “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” để trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngày 18/7/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và giá trị đa dạng sinh học; có những đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cho quốc gia và khu vực.

Các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết: Đến năm 2020: Duy trì, phát triển ổn định Vườn quốc gia Vũ Quang; thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 02 Vườn thực vật và Nhà bảo tàng mẫu vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang và Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 01 Trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

Đến năm 2030: Duy trì và phát triển ổn định Vườn Quốc gia Vũ Quang; Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 02 Vườn thực vật và và Nhà bảo tàng mẫu vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang và Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 01 Trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã có từ giai đoạn trước; thành lập mới 01 Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh (Khu bảo vệ cảnh quan núi Hồng Lĩnh); 01 Vườn thực vật tại Khu dự trữ thiên nhiên Giăng Màn; 01 Trung tâm dược liệu tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông; tôn tạo và phát triển vườn sưu tập cây thuốc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Xác định phần ranh giới trên địa bàn tỉnh hành lang ĐDSH Vũ Quang - Pù Mát và hành lang ĐDSH Vũ Quang - Khe Nét; xác định phần ranh giới thuộc địa bàn tỉnh phục vụ thành lập mới Khu dự trữ thiên nhiên cấp Quốc gia núi Giăng Màn.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch, theo hướng cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND và xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết đã đề ra nhằm thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trần Thị Thành - Chi cục Bảo vệ môi trường



Ý kiến bạn đọc