Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh: kết quả thực hiện và nội dung đề xuất vào quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2060.

25/04/2019
Aa

Hà Tĩnh với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú về hệ sinh thái (rừng tự nhiên trên cạn, rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển), đa dạng về nguồn gen (nhất là nhiều nguồn gen động vật quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ đặc hữu cho khu vực Đông Nam Á như Sao la Pseudoryx nghetinhensis , Mang lớn Magemuntiacus vuquangensi và nhiều loài động vật quý hiếm như Voi, Hổ, Bò tót, Voọc vá chân nâu, Vượn má trắng, Chồn dơi ( Cynocephalus variegatus ),  Cu li lớn ( Nycticebus coucang ), ... nhiều giống cây ăn quả có múi, vật nuôi, thủy sản bản địa của Hà Tĩnh như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, Hươu, mực Vũng Áng....), 02 cơ sở bảo tồn lớn (Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn nhiên nhiên Kẻ Gỗ) với cảnh quan đẹp và bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam.

Hình ảnh về rừng nguyên sinh tại VQG Vũ Quang

Thời gian qua, được sự quan tâm cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã có những chuyến biến, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như công tác bảo vệ và phát triển rừng được đặc biệt quan tâm; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức người dân và quan tâm phát triển kinh tế vùng đệm để hạn chế những tác động làm suy giảm đa dạng sinh thái, động vật tại các khu bảo tồn; phát triển du lịch sinh thái gắn với cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái (khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, suối Tiên – chùa Hang – Hồng Lĩnh ... ). Nhằm đưa công tác bảo tồn đa dạng sinh đi vào khuôn khổ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong và theo lộ trình quy hoạch phát triển; Ngày 18/7/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND về việc thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 20/9/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 311/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh. Trong đó, các nội dung quy hoạch được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và điều kiện thực tế tại địa phương nhằm triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các nội dung cụ thể như sau:

- Đến năm 2020: Duy trì, phát triển ổn định VQG Vũ Quang; chuyển tiếp khu BTTN Kẻ Gỗ thành Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 02 Vườn thực vật và Nhà bảo tàng mẫu vật tại VQG Vũ Quang và Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 01 Trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

- Giai đoạn 2021-2030: Duy trì và phát triển ổn định Vườn Quốc gia Vũ Quang; Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 02 Vườn thực vật và và Nhà bảo tàng mẫu vật tại VQG Vũ Quang và Khu dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ; 01 Trung tâm cứu hộ động vật tại VQG Vũ Quang đã có từ giai đoạn trước; thành lập mới 01 Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh (Khu bảo vệ cảnh quan núi Hồng Lĩnh); 01 Vườn thực vật tại Khu dự trữ thiên nhiên Giăng Màn; 01 Trung tâm dược liệu tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông; tôn tạo và phát triển vườn sưu tập cây thuốc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Xác định phần ranh giới trên địa bàn tỉnh hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Pù Mát và hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Khe Nét; xác định phần ranh giới thuộc địa bàn tỉnh phục vụ thành lập mới Khu dự trữ thiên nhiên cấp Quốc gia núi Giăng Màn.

Hình ảnh về khung cảnh vùng đệm VQG Vũ Quang

Trên cơ sở quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã được phê duyệt, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện đề xuất các nội dung quy hoạch của tỉnh đưa vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2060, với các nội dung như:

- Quy hoạch ranh giới, khu vực dự kiến thành lập mới khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia (vùng núi Giăng Màn): quy hoạch phần diện tích rừng tự nhiên phòng hộ thuộc 04 xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình thuộc huyện Hương Khê, diện tích khoảng 16.000ha là. Tọa độ địa lý trong khoảng từ 17 o 39’ đến 18 o 06’ vĩ độ Bắc và từ 105 o 33’ đến 105 o 47’ kinh độ Đông.

- Quy hoạch phần ranh giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khu vực thành lập mới 02 hành lang đa dạng sinh học, gồm:

+ Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Pù mát: thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang thuộc huyện Vũ Quang và các xã Sơn Kim I, Sơn Tây, Sơn Hồng thuộc huyện Hương Sơn với diện tích khoảng 30.000ha.

+ Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Khe Nét: thuộc địa phận các xã Hòa Hải, Hương Bình, Hương Long, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Liên, Phú Gia thuộc huyện Hương Khê với diện tích khoảng 58.786ha.

Trần Thị Thành - Chi cục BVMT



Ý kiến bạn đọc