Sở TN&MT Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân đấu giá mỏ vật liệu xây dựng chậm
Thông tin về tình hình thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản thời gian qua, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết: Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác đấu giá khoáng sản trong cả nước (cả nước đến nay mới chỉ có 22/63 tỉnh thành triển khai đấu giá với 350 mỏ). Từ 2015 đến nay, tỉnh có 18 mỏ đã đấu giá thành công và 17 mỏ đang chuẩn bị đấu giá.
Tuy vậy, “tư lệnh” ngành TN&MT cũng thừa nhận, mặc dù việc xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quan tâm, thực hiện khẩn trương, hiệu quả, nhưng công tác tổ chức đưa mỏ ra đấu giá để cấp phép vẫn chưa đáp ứng được, còn chậm.
Theo người đứng đầu ngành TN&MT, việc chậm trong tổ chức đấu giá khoáng sản có những nguyên nhân như: khi tổ chức đấu giá trên khu đất mặt bằng chưa “sạch” thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó giải quyết nếu người trúng đấu giá không giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án khai thác. Do vậy, trước khi đưa mỏ vào đấu giá, phải khảo sát kỹ để đánh giá tính khả thi của công tác giải phóng mặt bằng khu mỏ.
Thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện qua 5 bước, mất nhiều thời gian để tổ chức thực hiện
Quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện qua 5 bước, mất nhiều thời gian để tổ chức thực hiện đảm bảo chặt chẽ, khách quan, tránh thất thoát và đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cũng thừa nhận, đơn vị chưa tập trung cao trong việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện của các mỏ trong quy hoạch của tỉnh để tham mưu kịp thời việc lựa chọn các khu vực mỏ đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong khi đó, một số chính quyền địa phương chậm triển khai thực hiện việc khảo sát, đánh giá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong diện tích khu vực dự kiến đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá mặc dù Sở TN&MT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu…
Làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm
Tham gia chất vấn về nội dung khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (Tổ đại biểu huyện Lộc Hà) thắc mắc về việc khai thác mỏ đá tại chân núi Nam Giới khi nào hết hạn, nếu hết thì có gia hạn tiếp hay không? Khu vực này đợt mưa lũ vừa qua bị sạt lở, có phải do ảnh hưởng của khai thác đá hay không?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, “tư lệnh” ngành TN&MT cho biết, khu vực này có vị trí quan trọng về di tích và QPAN nên cũng hạn chế trong cấp mỏ khai thác. Thời hạn khai thác của một số mỏ ở đây đến năm 2027. Hiện các mỏ ở khu vực này đã đóng cửa, duy chỉ có mỏ đá của Công ty Xây dựng 1 đang có đơn khởi kiện nên việc thời hạn khai thác đang chờ kết quả xử lý.
Trả lởi câu hỏi về việc sạt lở ở chân núi Nam Giới, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: nguyên nhân không phải do khai thác mỏ vì 4 hộ này nằm ngoài khu vực khai thác.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu Can Lộc) nêu ý kiến, từ thực tiễn khó khăn trong việc tổ chức đấu giá, ngành có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ?
Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu ngành TN&MT phân tích thêm một số vướng mắc, trong đó có trường hợp người dân đã ký cam kết bàn giao đất nhưng sau đó không thực hiện. Do vậy, cần sự tham gia của chính quyền trong việc vận động bà con nhân dân thực hiện các cam kết.
Đại biểu Trần Viết Hậu (Tổ đại biểu Đức Thọ) nêu ý kiến: Trong thời gian qua, có mỏ nào trữ lượng rất ít hoặc không có. “Trữ lượng khoáng sản hiện đang khảo sát ước đoán bằng mắt thường. Tuy nhiên quá trình này vẫn có độ tin cậy nhất định” - ông Hồ Huy Thành cho biết.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Khoa Văn (Tổ đại biểu Vũ Quang) về nhu cầu đất, cát để phục vụ xây dựng của người dân Vũ Quang lớn nhưng chưa được đấu giá mỏ, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, một số mỏ ở địa phương này đã được đưa vào kế hoạch đấu giá, sắp tới sẽ đấu giá 3 mỏ. Năm nay, Vũ Quang sẽ có nhiều mỏ được đưa vào khai thác.
Ngoài lý do khách quan được lý giải, đại biểu cũng lưu ý cần quản lý chặt chẽ việc đấu giá mỏ khoáng sản, tránh việc gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội cũng như an toàn tính mạng của người dân.
Theo baohatinh.vn