Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp

12/11/2018
Aa

Tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp  quan trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển dần từ hình thức lao động thủ công bán cơ giới sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt yêu cầu cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhận thức được ý nghĩa quan trong của tích tụ, tập trung ruộng đất trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta việc chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp để tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiêp, nông thôn đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo từ rất sớm.

Sau khi hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho nhà nông theo Nghị định 64 của Chính phủ, nhận thấy do tồn tại của việc giao đất nông nghiệp trên cơ sở khoán 10, ruộng đất nông nghiệp giao manh mún, mỗi hộ nhiều thửa, nhiều vùng (bình quân 9-10 thửa, hộ cao nhất 16 thửa và 4-5 vùng sản xuất gây trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Ngày 12/6/2001,Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành Nghị Quyết 01 NQ/TU về lãnh đạo cuộc vận động chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp. Sau khi có nghị quyết, các địa phương đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện, gắn công tác dồn điền, đổi thửa với quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2003 toàn tỉnh có 249 xã đã cơ bản hoàn thành, số thửa bình quân giảm 66,6%, thửa lớn nhất có diện tích gần 10.000m 2 , thửa nhỏ nhất 140m 2 ; bình quân mỗi hộ 6,2 thửa.

Từ kết quả công tác đồn điền, đổi thửa chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp đã xuất hiện một số mô hình Lúa - cá, Lúa - Vịt, Lúa - màu tập trung tại các huyện Can lộc, Đức Thọ... bước đầu làm tăng giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi còn bộc lộ một số bất cập cần khắc phục như việc mỗi hộ có 5-7 thửa và ở 5-7 vùng khác nhau; quy mô diện tích trên thửa còn thấp (bình quân 497m 2 ); bình quân số thửa/hộ còn cao, chưa liền vùng, liền thửa, chưa hình thành được vùng chuyên canh hoặc cánh đồng mẫu lớn; việc chuyển đổi ruộng đất ở các vùng màu, vùng bãi, vùng cây công nghiệp chưa được quan tâm thực hiện; quy hoạch và quản lý quỹ đất công ích còn bất cập và chưa gắn với việc đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi GCNQSD đất để phát huy các quyền của người sử dụng đất. Để khắc phục các tồn tại, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TU về việc tiếp tục chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp lần 2, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X và ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả sau chuyển đổi lần hai số thửa đất bình quân/hộ là 3,5 thửa. Sau khi thực hiện chuyển đổi, từ năm 2010 tỉnh đã tổ chức đo vẽ bản đồ để lập hồ sơ cấp đổi GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân, đến nay có 237 xã đã hoàn thành cấp đổi GCNQSD đất đạt 96,6% cơ bản đã hoàn thành đạt 95%-98%.

Năm 2013, với việc ban hành Luật Đất đai mới thay thế Luật đất đai năm 2003, Nhà nước có nhiều đổi mới, trong đó quan trọng nhất là đã từng bước quy định mở rộng các quyền của người sử dụng đất, quy định các QSDĐ được tham gia thị trường bất động sản; tăng thời hạn sử dụng đất từ 20 năm đối với đất trồng cây hằng năm lên 50 năm (Điều 126 Luật Đất đai 2013). Mở rộng hạn mức nhận chuyển QSDĐ từ gấp 2 lần so với Luật đất đai 2003 lên 10 lần. Như vậy, hộ gia đình có nhu cầu có thể nhận chuyển nhượng đến 20 ha đất trồng cây hàng năm, 100 ha đất trồng cây lâu năm ở đồng bằng và 300 ha đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở miền núi; hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân từ 2 ha - 30 ha (tùy theo vùng và mục đích sử dụng, Điều 129 và không tính vào hạn mức đất nông nghiệp đối với đất chưa sử dụng khai hoang được tính vào đất sản xuất nông lâm nghiệp).

(Ảnh nguồn internet)

Nhờ những chính sách cởi mở hơn về đất đai và tích tụ đất đai nên việc phát triển kinh tế trang trại thông qua tập trung, tích tụ đất đai đã có một số kết quả nhất định. Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường và Nông nghiệp phát triển nông thôn, toàn tỉnh  đến nay đã có 351 mô hình kinh tế trang trại được thành lập sử dụng 3.013,0 ha; trong đó có 19 mô hình trang trại nhận chuyển quyền sử dụng đất với diệ tích 117,7ha;  6 mô hình nhận góp vốn quyền sử dụng đất 428,8ha; 317 mô hình được nhà nước giao cho thuê đất 2.319,3ha; 9 mô hình có nguồn gốc khác 147,2ha; bình quân mỗi mô hình 8,58 ha. Kết quả đã có những mô hình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như trang trại trồng trọt ông Trần Quốc Viện xã Đức Lĩnh, Vũ Quang; trang trại chăn nuôi hộ ông Nguyễn Thái Huy xã Đức Lạng, Đức Thọ... Cùng với các mô hình tập trung, tích tụ đất đai trên toàn tỉnh, thì mô hình phá bờ thửa nhỏ để tạo thành thửa lớn (nhiều hộ đồng sử dụng trên một thửa đất lớn tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất cá thể, manh mún và nhỏ lẻ để đồng hóa các khâu trong quá trình sản xuất, thâm canh.

Tuy vậy, việc tập trung, tích tụ đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong đó phải kể đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ thấp (6.304 m 2 ); điều kiện tự nhiên địa hình dốc, đất đai không bằng phẳng, nhiều nơi ruộng bậc thang; chất lượng đất không đồng đều, thời tiết, khí hậu phức tạp; nắng hạn, mưa nhiều dễ rửa trôi; vì vậy, việc phá bờ thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở nhiều nơi gặp nhiều khó khăn. Ý thức, tư tưởng của người dân một số nơi chưa muốn chuyển nhượng mặc dù đất bỏ hoang. Quyết tâm chính trị của một bộ phận cán bộ cấp cơ sở chưa cao, nên việc vận động dồn điền, đổi thửa một số nơi đạt kết quả thấp, còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân gặp khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất là giới hạn về hạn điền và quy định về việc nhận chuyển nhượng QSD đất trong hạn mức theo quy định của Luật đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân (trừ trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt). Việc cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất đã được Luật Đất đai quy định nhưng chưa kịp thời có giải pháp thực hiện. Nhất là thủ tục giấy tờ liên quan quyền sử dụng đất góp vốn, do tâm lý người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng vẫn muốn giữ quyền sử dụng đất. Trong khi đó, tổ chức nhận góp vốn cần giấy tờ quyền sử dụng đất đứng tên tổ chức để vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự bảo đảm về pháp luật để đầu tư. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh như quy định tại Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 và Quyết định 18/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh còn ở mức thấp chưa đáp ứng được yêu cầu và còn hạn chế về quy mô diện tích, số lượng mô hình và thiếu tập trung mũi nhọn.

Do đó, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tập trung tuyên truyền người dân chủ động chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp thành vùng tập trung, diện tích thửa lớn; tiến hành hợp tác, liên kết, góp vốn, cho thuê đất; vận động nhân dân phát triển mô hình kinh tế trang trại, hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhất là trong sản xuất cây hàng năm (lúa, rau củ quả, nuôi tôm công nghệ cao).

Thứ hai , sớm sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ các vướng mắc nhất là hạn điền; quy định về chuyển nhượng QSD đất nông nghiệp, có các văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Bãi bỏ quy định giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã phường thị trấn quy định tại Điều 190 Luật Đất đai. Xây dựng cơ chế quy định đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Xây dựng khung pháp lý để bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản trên đất…

Thứ ba , cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn. Để làm được điều này cần tập trung chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông thôn, tạo thêm việc làm mới. Thúc đẩy tập trung ruộng đất đi kèm với quá trình giảm lao động nông nghiệp, đảm bảo vệ quyền lợi của người nông dân, việc làm và an sinh xã hội. Có cơ chế ràng buộc khi doanh nghiệp thuê đất phải đảm bảo việc làm cho người nông dân làm việc trong dự án hoặc có trách nhiệm đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho nông dân muốn thoát ly nông nghiêp.

Thứ 4 , Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho các địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, hệ thống chính trị vững mạnh, người đứng đầu gương mẫu, quyết tâm chính trị cao; lựa chọn địa điểm, kết nối cùng danh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư kinh phí xây dựng thí điểm mô hình tích tụ đất đai thực hiện trong năm 2019 từ đó rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn và nhân diện rộng mở đầu cho ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao./.

Tác giả: Lê Văn Phụ STNMT.



Ý kiến bạn đọc